Tìm lại hương rượu ghè làng Xóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bao mùa rẫy đi qua, những tưởng hương rượu ghè truyền thống đã dần ngủ yên trong tâm thức của người Jrai ở làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Thế nhưng, hương vị nồng ấm ấy nay lại được đánh thức, cùng dân làng đón khách quý trong mùa lễ hội.

1logo.jpg

Tìm hương men xưa

“Dường như bà con cũng không còn nhớ người làng mình ngừng làm men, ủ rượu ghè từ lúc nào. Chúng tôi cũng dần quên đi hương vị rượu ghè của làng cho tới khi bà Siu Phưn tìm lại công thức do người xưa để lại.

Bà Phưn đã làm ra những ghè rượu mang đậm hương vị xưa của rượu ghè làng Xóa”-ông Phyai-Cán bộ Mặt trận làng Xóa mở đầu câu chuyện khi nhắc tới hành trình tìm lại hương rượu ghè của ngôi làng dưới chân núi Chư Đang Ya huyền thoại.

0-cu-rieng-va-ot-bay-la-2-nguyen-lieu-khong-the-thieu-de-tao-nen-men-truyen-thong-cua-lang-xoa.jpg
Củ riềng và ớt bay là 2 nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên chất men truyền thống của rượu ghè làng Xóa. Ảnh: T.D

Làng Xóa xưa kia nức tiếng bởi hương rượu ghè ngọt thanh, nồng ấm. Men rượu ấy không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào. Trong mỗi nếp nhà xưa, những bánh men lá, những ghè rượu thơm luôn hiện hữu. Vậy nhưng, trải qua thời gian, cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của những loại men trên thị trường đã làm phai dấu hương rượu xưa. Dù là người từng nổi tiếng có đôi tay khéo, ủ ra những ghè rượu ngon nhưng bà Siu Phưn (65 tuổi) cũng phải ngừng việc làm men, ủ rượu trong suốt một thời gian dài.

Bà kể: “Không phải mình quên cách làm mà bởi nhu cầu sử dụng của người dân ngày một ít. Mình đành giữ lại công thức truyền thống ấy cho riêng mình. Đến khi dân làng nô nức đón khách quý trong những mùa lễ hội dưới chân ngọn núi lửa Chư Đang Ya, mình quyết định tìm lại hương rượu xưa để tiếp nối nghề truyền thống”.

Năm 15 tuổi, bà Phưn đã theo mẹ lên núi tìm cây rừng, lá rừng… về làm men ủ rượu. Nghe lời mẹ, bà Phưn chăm chỉ học cách ủ rượu ngon. Đây cũng chính là thước đo cho sự khéo léo của phụ nữ trong làng.

Theo bà Phưn, bí quyết để tạo ra hương vị riêng của rượu ghè làng Xóa chính là cách tạo men. Ngoài vỏ các loại cây rừng thì củ riềng dại, ớt bay là nguyên liệu không thể thiếu và quyết định hương vị riêng có của men.

“Nguyên liệu sau khi được giã nhuyễn, phơi khô sẽ trộn với trấu để tạo thành chiếc bánh men to như nắm tay. Củ riềng được lấy trên núi Chư Đang Ya có vị ngọt bùi pha chút hăng nồng cùng với độ cay của ớt sẽ tạo ra vị ngọt thanh, ấm nóng của những bánh men truyền thống. Rượu được ủ kín trong ghè càng lâu càng tốt. Hương vị rượu ghè đặc trưng trở thành niềm tự hào của người dân làng Xóa”-bà Phưn tự hào nhắc nhớ.

2bg.jpg
Bà Siu Phưn truyền dạy cách làm men rượu ghè truyền thống cho con gái Siu Yưng. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, theo thời gian, những nguyên liệu tự nhiên ấy dần trở nên hiếm hoi, trong khi nhiều người lại dùng men mua ngoài thị trường để ủ rượu cho tiện. Bà Phưn cũng dừng làm men, ủ rượu từ đó. Thấm thoắt cũng gần 15 năm hương vị rượu ghè làng Xóa gần vắng bóng...

Kể đến đây, giọng bà Phưn thoắt chùng xuống. Im lặng một lúc, bà bảo: Mỗi khi nhớ nghề, bà vẫn thường ngồi nơi góc bếp, nhìn những chiếc ghè trống không và nghĩ về những ngày đôi tay mình phủ đầy màu trắng ngà của men, của gạo rẫy và hương cay thoang thoảng của ớt bay…

Khi vẻ đẹp của ngọn núi lửa Chư Đang Ya được nhiều người biết đến, làng Xóa đón tiếp thêm nhiều khách phương xa. Thời điểm ấy, mọi người nói nhiều về bản sắc của người Jrai, nghề truyền thống lâu đời của làng…

Bà Phưn nghĩ: Tại sao mình không làm rượu ghè để giới thiệu đến du khách? Sau nhiều đêm trăn trở, bà Phưn quyết định làm lại những bánh men truyền thống. Dù đã trải qua thời gian dài nhưng bà vẫn nhớ như in công thức, quy trình làm men, cách ủ rượu.

Khi được tận mắt nhìn bà Phưn giã vỏ cây rừng nhào nặn làm men, được thưởng thức vị ngọt ấm của những ghè rượu đầu tiên khi bà Phưn quay lại với nghề ủ rượu ghè truyền thống, bà con dân làng vô cùng xúc động. Bởi đã quá lâu rồi, họ mới được thưởng thức hương vị nguyên bản của rượu ghè mà cha ông để lại.

“Chúng tôi vô cùng tự hào khi sản phẩm đặc trưng của làng không những được tìm lại hương vị xưa mà còn được hòa mình vào những lễ hội, được quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè gần xa”-ông Phyai vui mừng chia sẻ.

Rượu ghè đón khách quý

Khi ngọn núi Chư Đang Ya bắt đầu ánh lên những “đốm lửa” vàng tươi của sắc hoa dã quỳ, bà Phưn bắt đầu miệt mài đi tìm những loại lá, vỏ cây đem về làm men. Hai cô con gái Siu AYên và Siu Yưng cũng theo mẹ học làm men rượu. Họ mang trong mình niềm hứng khởi của người trẻ khi được tiếp nối bí quyết ủ rượu truyền thống của làng.

Chị Siu Yưng bày tỏ: “Với người Jrai, rượu ghè được đem ra uống khi trong nhà hoặc làng có việc quan trọng như: cúng Yàng, bỏ mả, làm nhà, cưới hỏi, mừng lúa mới… hoặc có khách quý đến chơi. Vậy nên, chị em tôi quyết tâm học cách làm men rượu ghè thủ công từ mẹ để tiếp nối nghề truyền thống của làng”.

Cũng theo chị Yưng, người làng Xóa sống mộc mạc, chan hòa và hiếu khách. Vì vậy, mỗi khi làng có lễ hội, khách đến chơi, bà con tận tình tiếp đón, xem đây là niềm vui chung. Trong mỗi ghè rượu mời khách, dân làng gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình.

tim-lai-huong-ruou-ghe-lang-xoa-dd.jpg
Bà Siu Phưn lưu giữ công thức làm rượu ghè của người xưa truyền lại. Ảnh: T.D

Vậy nên, gian bếp ấm cúng của bà Phưn luôn tỏa mùi thơm của men, của cơm. Chúng tôi ngồi ngắm bà cặm cụi ủ rượu. Sau khi nhanh tay trải đều cơm ra cái mẹt lớn, bà Phưn mang bánh men ra giã nhuyễn thành bột. Tiếp đến, bà rải đều men lên cơm rồi trộn đều tay cho đến khi từng hạt cơm thấm đều bột men. Bà cũng rải sẵn một lớp trấu vào đáy của những chiếc ghè.

Cơm trộn men được cho vào ghè và nén chặt. Đến khi gần đầy, bà tiếp tục rải một lớp trấu nữa lên trên cùng rồi lót lá ổi, lá chuối lên để tránh thoát hơi. Cuối cùng, bà phủ thêm vài miếng lá chuối đã được hơ qua lửa rồi đậy lên miệng ché, dùng dây cột thật chặt.

“Sau 2-3 tuần, thậm chí là vài tháng, ghè rượu dậy mùi thơm nồng là có thể mang ra dùng. Vị của ớt và củ riềng hòa cùng các loại vỏ cây rừng khi được ủ với cơm sẽ tạo ra vị ngọt thanh không thể trộn lẫn với bất cứ hương vị rượu ghè của làng khác. Rượu ghè chỉ cần ủ đủ ngày là đem ra uống với hương vị đặc trưng làm say lòng người.

Với người làng Xóa bao đời nay, rượu ghè là sự giao hòa, kết tinh của đất trời, để dùng trong mỗi dịp làng có lễ hội, gia đình có dịp vui nên việc lưu giữ và phát huy nó là điều người già như mình nên làm”-bà Phưn kể.

Trưởng thôn Siu An cho biết: “Làng có 220 hộ nhưng chỉ có gia đình bà Phưn làm ra ghè rượu ngon đúng vị truyền thống. Vào tháng 10 hàng năm, bà Phưn đã làm men, ủ rượu để bán cho du khách tới làng tham quan, trải nghiệm và phục vụ dân làng trong những ngày Tết đến, xuân về. Dân làng xem trọng du khách thập phương nên việc làm ra những ghè rượu ngon đặc trưng cũng là cách để thể hiện thành ý của mình”.

Bà Siu Phưn: “Khi những ghè rượu do chính tay mình ủ được bà con và du khách đón nhận, mình thấy hạnh phúc lắm. Bởi sự kiên trì và tâm huyết của mình đã mang lại thành quả. Mình sẽ chỉ dạy các con và người trẻ trong làng bí quyết làm men đặc trưng của làng để hương rượu ghè làng Xóa vươn xa mãi và khẳng định được thương hiệu”.

Những năm gần đây, nhịp sống của bà con làng Xóa dường như sôi động hơn bởi thường xuyên đón các đoàn khách ghé thăm và ngỏ ý mua rượu ghè về làm quà biếu người thân.

Không chỉ bà Phưn mà hầu hết người dân rất tự hào khi được giới thiệu, quảng bá đặc sản rượu ghè của làng. Đây là động lực để bà Phưn cũng như dân làng vừa tiếp tục gìn giữ nghề làm rượu ghè truyền thống vừa có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Dõi theo hành trình tìm lại hương rượu ghè truyền thống của làng Xóa, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya Đinh Văn Thủy cho rằng: Làng Xóa có nhiều đặc sản cũng như nét đẹp riêng, trong đó có rượu ghè truyền thống. Sau những mùa lễ hội, làng Xóa ngày càng đón thêm nhiều khách quý, được giao lưu, quảng bá nét đẹp của làng mình.

Người dân làng Xóa xem đây là động lực để họ khôi phục và bảo tồn hương rượu ghè. Nghề ủ rượu cần truyền thống cũng có thể là định hướng phát triển kinh tế lâu dài của làng khi địa phương phát triển mạnh hơn về du lịch cộng đồng.

Chính tình yêu, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của bà con là tiền đề quan trọng để chúng tôi từng bước xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng; qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sự quay trở lại của hương rượu ghè làng Xóa sẽ trở thành nét hấp dẫn riêng, góp phần tạo thêm sản vật đặc trưng để quảng bá về văn hóa, đời sống của đồng bào Jrai.

2logo-7722-2933-9071-1045.jpg

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.