(GLO)- Công tác phát hành ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai tại một số địa phương còn chưa đúng đối tượng thụ hưởng; một số tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ thôn, làng chưa quan tâm đặt mua báo Đảng; ấn phẩm báo có nơi đến tay bạn đọc chưa kịp thời. Đó là kết quả khảo sát của Báo Gia Lai tại một số địa phương về tình hình thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng và Báo Gia Lai.
Còn nhiều bất cập
Theo thống kê, mỗi tuần, Bưu điện huyện Đak Đoa chuyển 250 tờ Báo ảnh Gia Lai đến các già làng, trưởng thôn và người uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua rà soát, một số đối tượng thụ hưởng không phải là người dân tộc thiểu số; công tác phát hành có lúc còn chậm, chưa phát huy hiệu quả của tờ báo đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số. Giữa các phòng liên quan và Bưu điện huyện chưa có sự phối hợp đồng bộ, danh sách phát hành không được xây dựng từ cơ sở dẫn đến đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp.
Tương tự, công tác phát hành Báo ảnh Gia Lai tại huyện Kbang cũng chưa được quan tâm đúng mức, có trường hợp cấp phát không đúng đối tượng. Nhiều tổ trưởng tổ dân phố ở thị trấn Kbang không phải là người dân tộc thiểu số nhưng lại được cấp phát đến 3-4 tờ báo. Bên cạnh đó, Kbang có 53 tổ chức cơ sở Đảng, 110 chi bộ thôn, làng nhưng còn đến 81 chi bộ chưa đặt mua các ấn phẩm của Báo Gia Lai, trong đó có nhiều chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Đây cũng là thực trạng tại một số địa phương như: Đak Đoa, Đak Pơ, thị xã An Khê…
Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Đak Pơ và các ban, ngành liên quan về công tác phát hành các ấn phẩm của Báo. Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo ông Phạm Quang Vĩnh-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang: Cần xem lại công tác phát hành của bưu điện, ngay cả cơ quan Huyện ủy chỉ cách Bưu điện huyện vài trăm mét nhưng có lúc 2-3 ngày vẫn chưa nhận được báo, một số xã vùng sâu như: Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne thì 1 tuần mới được phát 1 lần; có thôn, làng thì nhiều khi cả tháng mới nhận được báo. Nếu không trực tiếp xuống cơ sở giám sát thì báo nằm “chất đống” ở trụ sở UBND các xã. “Bưu điện huyện phải rà soát chấn chỉnh việc phát hành của bưu điện văn hóa xã. Cả tháng trời báo mới đến tay người đọc ở những địa bàn khó khăn thì đâu còn tính thời sự”-ông Vĩnh đề nghị.
Trong khi đó, thị xã An Khê chỉ có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng mỗi tuần được cấp phát 127 tờ Báo ảnh Gia Lai. Do vậy, để phát huy hiệu quả tuyên truyền, địa phương này đã linh hoạt cấp báo cho các trưởng thôn không phải là người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đây là những người uy tín, thường xuyên vận động người dân không nghe lời kẻ xấu, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong các cuộc họp làng, tổ dân phố. Qua làm việc, lãnh đạo địa phương này cho biết sẽ rà soát việc cấp phát báo, đảm bảo đúng đối tượng quy định, đồng thời tăng cường chỉ đạo 60/163 chi bộ còn lại đặt mua báo Đảng.
Kịp thời rà soát, chấn chỉnh
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Báo Gia Lai, ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-thừa nhận: “Về việc đối tượng cấp phát Báo ảnh Gia Lai chưa đúng, huyện sẽ rút kinh nghiệm, sớm chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót. Trên cơ sở quy định đối tượng thụ hưởng, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại danh sách này, đồng thời giao Phòng Dân tộc làm đầu mối phối hợp với các xã nắm lại danh sách đối tượng thụ hưởng để có sự thống nhất, tránh việc “mỗi nơi làm mỗi kiểu”, phục vụ không đúng đối tượng. Việc phát huy hiệu quả tuyên truyền của tờ báo ảnh trong cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân tộc thiểu số khi tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Buổi làm việc giữa lãnh đạo Báo Gia Lai với lãnh đạo huyện Đak Đoa về công tác phát hành các ấn phẩm Báo Gia Lai trên địa bàn huyện. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Nguyễn Chung Tình-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: Việc đặt mua báo đối với 51 tổ chức cơ sở Đảng, 111 chi bộ thôn, làng luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm. Nếu đơn vị nào không đặt mua báo trong thời gian 1 quý đề nghị Bưu điện huyện gửi danh sách để Ban Tuyên giáo Huyện ủy đưa ra cuộc họp giao ban gần nhất để chấn chỉnh. “Riêng đối với tờ Báo ảnh Gia Lai, tôi đề nghị tiếp tục duy trì việc cấp phát vì nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, hình ảnh đẹp, bắt mắt phù hợp với đối tượng thụ hưởng là người dân tộc thiểu số ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm trao đổi và đề xuất danh sách đối tượng nhận báo. Đồng thời, đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể tại các xã, thôn vì đây là những cá nhân, tổ chức thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền đến người dân địa phương”-ông Tình nói.
Theo nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, việc khảo sát về công tác phát hành ấn phẩm Báo ảnh tại các địa phương là hoạt động cần thiết để từ đó tham mưu, báo cáo tình hình và hoàn tất thủ tục trình Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến về kế hoạch tăng trang và tăng số lượng phát hành ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai (phát miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số) trong thời gian tới. Đồng thời, tiến hành rà soát việc các chi bộ đặt mua báo Gia Lai và việc cấp phát báo cho đối tượng 30 năm tuổi Đảng trở lên tại địa bàn các huyện, thị xã. Qua khảo sát, Báo Gia Lai đã phát hiện nhiều bất cập về danh sách đối tượng thụ hưởng, cấp phát chưa đúng đối tượng, ấn phẩm đến tay bạn đọc chưa kịp thời. Sắp tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm, Ban Biên tập sẽ làm việc với Bưu điện tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hành báo đến các huyện, xã, thôn, đảm bảo báo đến tay người đọc trong ngày.
MINH NGUYỄN