Tiềm năng lớn từ kinh tế ban đêm: Những tín hiệu tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có những sản phẩm, mô hình góp phần phát triển kinh tế đêm, đem lại tín hiệu lạc quan ở các địa phương
Theo khảo sát chung của nhiều công ty du lịch, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày hiện chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành du lịch đang khai thác lại chủ yếu từ sáng đến 17 giờ, rất nhiều khách sạn, resort đẹp nhưng khách đến đó chỉ nghỉ dưỡng, ở trong resort 1-2 đêm không biết đi đâu, không có chỗ chơi, chỗ ăn…
Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước đón gần 15 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, tháng 10 là tháng đầu tiên lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt trên 1,6 triệu lượt. Tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trong cả nước, lượng khách quốc tế và nội địa tiếp tục tăng mạnh, đem lại doanh thu khả quan cho ngành du lịch.
Dù vậy, nếu nhìn ở mức độ chi tiêu, độ dài ngày lưu trú của du khách thì vẫn còn nhiều trăn trở. Những sản phẩm dịch vụ ban đêm thường đem lại doanh thu cao lại quá thiếu. Số liệu tổng thể được Tổng cục Du lịch công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 3 năm (7,9 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt giai đoạn 2015-2018), song trung bình mỗi khách chi tiêu chỉ 96 USD, trong khi con số này ở Thái Lan là 163 USD.
 
Chợ đêm Phú Quốc thu hút du khách nhờ ẩm thực và nhiều sản phẩm lưu niệm của địa phương Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, dẫn chứng năm 2017, Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế với tổng doanh thu là 7,7 tỉ USD. Đến năm 2018, khách quốc tế tới Việt Nam tăng lên 12,9 triệu lượt nhưng doanh thu chỉ đạt 8,8 tỉ USD; tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GDP cũng giảm từ 6,6% xuống 6%... Số khách tăng lên trong năm 2018, nếu tính tương đương doanh thu năm 2017 thì hụt mất khoảng 3 tỉ USD.
Vì sao du khách đến Việt Nam một lần rồi ít trở lại? Sản phẩm của ngành du lịch đã hấp dẫn để giữ chân, tăng độ dài lưu trú của du khách quốc tế? Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, cách làm du lịch hiện nay đang thừa chỗ ngủ mà thiếu chỗ chơi. Kinh tế ban đêm có những mặt nhạy cảm nhưng không vì thế mà không làm, phải làm cho được kinh tế ban đêm, quy hoạch lại, hạn chế những điều không tốt và phát huy cái tốt để thêm sản phẩm cho du khách.
Theo khảo sát của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, hiện khách Trung Quốc (chiếm 71% khách quốc tế đến tỉnh này) có mức chi tiêu khoảng 118 USD/ngày, chủ yếu cho dịch vụ lưu trú và ăn uống. Ông Nguyễn Huy Hân, Giám đốc Công ty CP Việt Asian Nha Trang, cho biết TP Nha Trang phát triển mạnh như hiện nay nhưng các hoạt động ban đêm chưa phát triển, đó là sự lãng phí. Trung bình du khách đi khu giải trí Vinpearl vui chơi một ngày, vui chơi thoải mái với 1 triệu đồng/người nhưng nếu làm tốt các dịch vụ vui chơi ban đêm như xem chương trình biểu diễn, mua sắm, ăn uống về đêm… chỉ vài giờ là có thể thu về 2-3 triệu đồng/người.
Còn TP Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL nhưng khi đêm đến, khách du lịch chỉ có thể dạo quanh bến Ninh Kiều, lên cầu đi bộ hoặc xuống du thuyền nghe hát rồi về. Khu chợ đêm gần bến Ninh Kiều chỉ bán những món mà ở đâu cũng có, chẳng có gì gọi là đặc sản của vùng đất Tây Đô. Khu chợ đêm ở Công viên Sông Hậu cũng chỉ phục vụ cho dân nhậu bằng những món hải sản đến từ Phú Quốc, Cà Mau… Chẳng có gì khác để du khách móc hầu bao.
Hiện quy định các quán bar, nhà hàng chỉ được hoạt động đến 24 giờ nên dù khách du lịch rất ưa thích nhưng cũng không thể chơi lâu hơn được. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, cho biết ở nhiều nước, nhà hàng được hoạt động đến 2 giờ sáng, thậm chí có nơi đến 4 giờ. Trong khi chúng ta quy định 24 giờ phải đóng cửa, đó là sự bất hợp lý. Về lâu dài, để tránh lãng phí tài nguyên du lịch cần quy hoạch các khu vui chơi, giải trí về đêm để dễ quản lý và không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Quan trọng là cách làm
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra vào ban đêm có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, điểm đến. Gần đây, một số địa phương là những điểm du lịch nổi tiếng đã bắt đầu kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư cho sản phẩm về đêm; đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN triển khai sản phẩm du lịch.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận dù có những thành công nhất định nhưng ngành du lịch địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là giải trí về đêm. Để thu hút du khách tới TP Đà Nẵng bằng các dịch vụ đêm, trước mắt, TP sẽ tổ chức phố đêm tại quận Ngũ Hành Sơn song song với hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật trên bãi biển.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng khuyến khích các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ khai thác hoạt động du lịch kéo dài đến 24 giờ. Ví dụ sẽ cho phép hoạt động của tàu du lịch kéo dài hơn hay khuyến khích các trung tâm mua sắm, phố thời trang… mở vào ban đêm, phục vụ khách tới 24 giờ. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung các sản phẩm du lịch mới nhằm làm phong phú hơn dịch vụ về đêm như tổ chức phố đêm Nhật Bản, làng ẩm thực quốc tế, quy hoạch cảnh quan ven sông Hàn, ven biển đường Võ Nguyên Giáp… "TP nên quy hoạch một khu vực là khu phố hay tuyến đường để tập trung cho các dịch vụ giải trí về đêm. Điều này sẽ giúp thu hút du khách, tiện lợi cho du khách khi đến tham quan và cơ quan nhà nước dễ quản lý" - ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, đề xuất.
Gần đây, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng liên tục kêu gọi các DN đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch giải trí về đêm để đáp ứng nhu cầu du khách ngày một tăng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) - nhìn nhận dù các DN đã nỗ lực nâng cao chất lượng, mở thêm nhiều hoạt động nhưng đa số mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. TP đang thiếu không gian, thiếu liên kết bền vững nên cần ngồi lại với nhau để chung tay thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển chứ không mạnh ai nấy làm.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho rằng so với trước đây, sản phẩm du lịch, giải trí của Nha Trang đã có nhiều cải thiện nhưng với vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Nha Trang cần có các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí có quy mô lớn, đặc biệt là các điểm giải trí về đêm để tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm tăng ngày lưu trú và kích thích chi tiêu của du khách. Muốn vậy, cần điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến giờ hoạt động của quán bar, nhà hàng; quy hoạch khu vui chơi, giải trí về đêm; cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư, phát triển các dịch vụ giải trí... 
Những mô hình thành công
Dưới góc nhìn của ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển, chợ đêm là một "mỏ vàng" trong những sản phẩm ban đêm mà ngành du lịch có thể khai thác. Dẫn chứng từ chợ đêm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ông Huỳnh Văn Sơn cho biết khi chưa có chợ đêm, người dân chỉ cho thuê nhà 8 triệu đồng/tháng. Sau khi có chợ đêm, giá thuê lên 40 triệu đồng/tháng, cộng thêm phía trước nhà còn cho thuê 2 xe đẩy bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng/tháng... Các hộ kinh doanh thuê mặt bằng chủ yếu kinh doanh ăn uống, bán ngọc trai, áo quần và hàng lưu niệm, có người còn thuê mặt bằng nhỏ để bán kẹo chỉ, kẹo kéo... Nhờ đó, thu nhập của người dân ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Cũng khá thành công là mô hình chợ đêm và phố đi bộ ở TP Huế. Trên bản đồ du lịch Việt Nam, từ lâu Huế luôn là điểm đến đáng để tham khảo. Thế nhưng, có một thực tế là với khá nhiều người trẻ, nơi đây chưa phải lựa chọn tối ưu, bởi ai cũng nghĩ Huế buồn, chẳng có gì để chơi. Bởi sau khi mặt trời lặn, mọi hoạt động cũng gần như dừng lại, 20 giờ ra đường không gặp ai.

Sau đó, Công ty Vietravel đã tư vấn và đề xuất với chính quyền TP Huế làm phố đi bộ, rồi tạo sự kiện với những chủ đề rõ ràng, tạo sản phẩm du lịch cho người dân, sinh viên, du khách nơi này tham quan. Lãnh đạo TP ban đầu tỏ ra nghi ngờ nhưng sau đó đã có kết quả ngoài dự kiến.

Kỳ tới: Cần quy hoạch bài bản
Nhóm Phóng viên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm