Tiềm năng lớn từ kinh tế ban đêm (*): Cần quy hoạch bài bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ chế, chính sách riêng để phát triển kinh tế ban đêm một cách bài bản, đồng bộ là nút thắt lớn cần sớm được tháo gỡ
Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt:
Bắt đầu từ du lịch
Kinh tế đêm không chỉ có du lịch nhưng có thể bắt đầu từ du lịch để lan tỏa sang các ngành khác. Như tại TP HCM, có thể đẩy mạnh phát triển xích lô vào ban đêm. Khi các phương tiện giao thông khác đã giảm nhiều, du khách đi dạo trên xích lô dưới không khí mát mẻ, dễ chịu sẽ là sản phẩm thú vị.
Mới đây, một số công sở - vốn là công trình kiến trúc tiêu biểu của TP HCM - có kế hoạch mở cửa đón khách tham quan. Việc này sẽ tạo thêm nhiều điểm đến mới hấp dẫn cho ngành du lịch. Cơ quan công quyền đón khách ban ngày hơi khó do còn làm việc nên ban đêm là thời điểm thuận lợi mở cửa khuôn viên, phòng khánh tiết, hành lang… Mô hình này sẽ thích hợp cho dòng khách MICE (khách hội nghị, hội thảo, khen thưởng…) sử dụng khuôn viên những tòa nhà công sở có kiến trúc đẹp làm nơi tổ chức sự kiện. Một cách hay để du khách gia tăng trải nghiệm, vừa tăng công suất và tạo thêm việc làm cho người dân.
Ngoài ra, thúc đẩy kinh tế đêm còn có thể bắt đầu từ những giải pháp đơn giản: tăng cường ánh sáng từ đèn đường, đèn các tòa nhà, cao ốc khu vực trung tâm như ở Bến Bạch Đằng, đường Hàm Nghi, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa; khu vực bờ kè, bờ sông… Khi ấy, du khách đi dạo, tham quan trải nghiệm không khí ban đêm mà vẫn bảo đảm an ninh, an toàn, vừa tạo mỹ quan vừa thêm sức hút cho TP HCM về đêm.
TS VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương:
Phải cân bằng, hài hòa lợi ích
Thực tế, dù muốn hay không, kinh tế đêm vẫn tồn tại và diễn ra hằng ngày ở Việt Nam. Yếu tố thị trường dẫn dắt ngành kinh tế này. Do đó, chính sách của nhà nước cần định hướng, quy hoạch để phát triển bài bản nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế là điều cần thiết. Nếu biết khai thác, tận dụng, kinh tế ban đêm sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng, công ăn việc làm...
Tuy nhiên, kinh tế đêm có một số vấn đề phải cân nhắc, tính toán. Bởi lẽ, ngoài làm việc, vui chơi, giải trí thì con người cũng cần nghỉ ngơi. Giờ sinh hoạt giữa các hoạt động ban ngày và ban đêm khác nhau nên dễ xung đột. Về mặt pháp lý, chính sách đòi hỏi sự cân bằng giữa việc cho phép các dịch vụ ban đêm hoạt động đến bao giờ, ở khu vực nào… với chuyện sinh hoạt của người dân xung quanh để tránh ảnh hưởng.
Một điểm khó là việc kiểm soát các hoạt động phi pháp. Bởi lẽ, ban đêm thường xảy ra nhiều hơn, đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phải kiểm soát, tránh ảnh hưởng thuần phong mỹ tục.
Làm sao để cân bằng giữa hoạt động về đêm có lợi và tránh xảy ra tệ nạn là bài toán không dễ giải. Trên thế giới, có nhiều bài học tốt về tổ chức các hoạt động kinh tế đêm mà chúng ta có thể học theo.
 
Các điểm kinh doanh bên hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thu hút rất đông người dân và du khách vào ban đêm nhưng theo quy định phải đóng cửa sau 23 giờ. Ảnh: THẾ HUỲNH
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel:
Quy hoạch đồng bộ phải gắn với quản lý tốt
Chúng ta đã biết được hiệu quả của ngành kinh tế đêm nhưng vẫn chưa quan tâm đầu tư nhằm có những chính sách, cơ chế riêng để phát triển. Đây chính là nút thắt lớn đang được tháo gỡ.
Gần đây, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu về chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm mà nước láng giềng Trung Quốc đang áp dụng, nhất là ở những thành phố lớn. Trong tương lai gần, khi chính sách, cơ chế thông suốt sẽ tạo cú hích mới cho ngành công nghiệp không khói, cùng với việc xây dựng thêm nhiều điểm đến đủ sức hấp dẫn du khách vui chơi, giải trí.
Quan trọng là cần xác định lại thị trường, chính sách phát triển du lịch, trong đó quy hoạch các giai đoạn đầu tư, phát triển đồng bộ, hợp lý. Quy hoạch phố đi bộ nhưng quản lý không tốt dễ biến thành phố đi nhậu. Nhận thức tốt nhưng quy hoạch kém, lập tức sẽ cho ra kết quả không mong muốn.
Kinh tế ban đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh, mà phải đồng bộ từ phương tiện công cộng để đến các địa điểm giải trí ban đêm, tới nhà hàng để ăn sau khi rời sân khấu hoặc carnival (lễ hội, diễu hành) lúc 2 giờ sáng, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ để mua sắm khi cần… Bên cạnh đó, cần thành lập các phòng, ban chuyên biệt về mặt hành pháp để bảo đảm tổng thể kinh tế ban đêm hợp pháp, an toàn, giúp du khách yên tâm trải nghiệm và sử dụng dịch vụ.
PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Đầu tiên là thay đổi tư duy
Kinh tế đêm là tổng thể tất cả ngành nghề, dịch vụ, sản phẩm diễn ra vào ban đêm, bao gồm cả ngành lành mạnh và nhạy cảm. Để làm kinh tế đêm bài bản như các nước, cần không gian một khu đô thị với đủ các hoạt động - từ vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa đến ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... - nên muốn triển khai không đơn giản.
Theo lý thuyết và một số nghiên cứu, càng về đêm, người dân và du khách càng dễ tính, dễ trả tiền cho những sản phẩm, dịch vụ nhưng cũng có yếu tố để một số ý kiến còn băn khoăn khi triển khai. Chẳng hạn, việc đến giờ vẫn còn tranh luận là nên cho phép nhà hàng, quán ăn… đóng cửa lúc 0 giờ hay 2 giờ sáng? Do đó, đầu tiên là cần thông suốt về tư duy rồi từ đó mới triển khai, chưa kể cần nguồn lực về lao động, nhân lực phục vụ các hoạt động về đêm.
Ông LÊ TẤN THANH TÙNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours):
Đầu tư sản phẩm du lịch thế mạnh
Để đẩy mạnh kinh tế đêm, Đà Nẵng cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh. Cụ thể, phải quyết liệt đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi đầu tư để gấp rút cho ra đời phố đi bộ đủ lớn ngay trung tâm thành phố, đề xuất không gian là từ Cầu Rồng đi theo dọc sông Hàn phía Tây rồi sang cầu Nguyễn Văn Trỗi. Khi có tuyến phố này rồi, các dịch vụ giải trí về đêm trong khu vực sẽ phong phú hơn. Cần quy hoạch nhằm tạo các loại hình giải trí về đêm gồm phố đi bộ, chợ đêm hay các show diễn mang bản sắc địa phương...
Quan tâm đặc biệt an ninh trật tự
Về phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng vấn đề an ninh trật tự được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, Hà Nội là thủ đô, vấn đề an ninh, trật tự trong mắt du khách nước ngoài và người dân là vô cùng quan trọng. Thực tế, khoảng 9-10 năm trước, Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc vi phạm an ninh trật tự nghiêm trọng bởi một số điểm kinh doanh sau 0 giờ. Việc này còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Sau đó, Công an Hà Nội đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, bao gồm việc kinh doanh, buôn bán không được quá 0 giờ, góp phần giữ an ninh, trật tự của TP.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết từ năm 2016 đã thí điểm một số nhà hàng, quán bar ở các tuyến phố đủ điều kiện sẽ được phép kinh doanh đến 2 giờ. Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu đề xuất, mở rộng hơn việc kinh doanh về đêm ở những vị trí có đủ điều kiện và khả năng quản lý để phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài nhưng phải bảo đảm môi trường sống của người dân. Không thể vì phát triển kinh tế đêm mà ảnh hưởng đời sống của người dân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-11
Nhóm Phóng viên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm