Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 10 năm áp dụng luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, hàng loạt quy định đã trở nên lạc hậu với tình hình kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân. Cần phải nhanh chóng có sự thay đổi để phù hợp hơn.

Quả trứng, cân thịt… tăng gấp đôi, gấp ba

Theo con số của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong cả giai đoạn 2012 - 2019 tăng 33,05%. Trong giai đoạn từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, mức CPI bình quân tăng 9,95%. Như vậy, trong vòng 10 năm (từ năm 2012 đến tháng 6.2022), CPI tăng 41,98%. Nghĩa là người thu nhập có 100 đồng thì sức mua đã bị giảm đi 40 đồng so với 10 năm trước. Mức tăng trên thực tế còn cao hơn.


 

 Nhiều hàng hóa thiết yếu giá cả đã tăng cao liên tục trong các năm qua. Ảnh: Nhật Thịnh
Nhiều hàng hóa thiết yếu giá cả đã tăng cao liên tục trong các năm qua. Ảnh: Nhật Thịnh


Chẳng hạn, cách đây 10 năm, quả trứng gà chỉ khoảng 1.500 đồng, nay lên hơn 3.500 đồng; thịt lợn ba chỉ 90.000 - 100.000 đồng/kg nay lên hơn 200.000 đồng/kg; một lít dầu ăn cũng khoảng 30.000 đồng nay lên hơn gấp đôi… Hoặc chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay thì hàng loạt sản phẩm chi tiêu trong đời sống của người dân cũng tăng 50 - 70%, thậm chí có sản phẩm cũng tăng gấp đôi khi giá xăng dầu liên tiếp nhảy vọt, thậm chí lên mức kỷ lục trên 33.000 đồng/lít.
 

 Tài xế xe má y công nghệ đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhậ p cá nhân. Ảnh: Ngọc Dương
Tài xế xe máy công nghệ đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Ngọc Dương


Gia đình chị Thu An (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ rằng con gái đầu của chị vào đại học cách nay 4 năm, khi đó học phí chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. Đến nay, khi đứa thứ 2 của chị sắp bước vào đại học, học phí đã lên hơn gấp đôi. “Chẳng cần nói đâu xa, nói ngay giá xăng thì hiện nay vẫn đang cao hơn đầu năm gần 10.000 đồng/lít, tương ứng tăng gần 55%. Mà ngay cả khi giá xăng lập đỉnh trên 33.000 đồng/lít thì gia đình vẫn không thể nào cắt bỏ vì đây là sinh hoạt hằng ngày”, chị Thu An nói và nhấn mạnh: “Tính đến 10 năm trước thì tôi không nhớ nhưng chỉ trong vòng 2 năm nay, chi phí sinh hoạt hằng tháng của gia đình tôi đã tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, hai vợ chồng đều làm công ăn lương thì thu nhập của một người đã bị giảm 20% kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đến nay vẫn chưa hồi phục trở lại”.

Điều chị An bức xúc hơn là lương giảm nhưng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn đóng đủ. Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng gần 50 triệu đồng/tháng thì sau khi chi tiêu vẫn còn để dành, tiết kiệm được nhưng nay thì chỉ vừa đủ xài. Đó là phải siết chặt các chi phí được xem là không quá cần thiết như quần áo, du lịch, giải trí. “Cha mẹ hai bên mỗi ngày mỗi già thì mọi chi phí càng phải tăng thêm để chăm lo sức khỏe. Chỉ mong mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên để số tiền đóng thuế giảm lại cho gia đình dễ thở hơn”, chị Thu An chia sẻ thêm.


 

 


Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI hằng năm công bố không cao là do Tổng cục Thống kê tính toán với 752 loại hàng hóa và dịch vụ nhưng trong đó đại đa số người dân chỉ sử dụng khoảng 20 mặt hàng thì tất cả đều tăng vọt. Vì vậy, thực tế thu nhập của người dân bị giảm rất mạnh. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 diễn ra gây khó khăn cho tất cả mọi người, nhất là người làm công ăn lương bị sụt giảm thu nhập nhưng thuế vẫn phải đóng đủ.

Thu nhập 1 triệu, không được coi là người phụ thuộc

Trong 10 năm tính từ khi áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần nhưng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngưỡng thuế này lạc hậu ngay từ khi điều chỉnh và áp dụng vì không đủ đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM.

Đáng nói, hàng loạt quy định khác vẫn được giữ nguyên sau hơn 10 năm. Cụ thể như quy định đối với người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc. Trong khi mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng là thua xa với lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định ngay từ khi luật Thuế TNCN sửa đổi áp dụng từ năm 2013. Thậm chí, mức thu nhập này còn thua xa chuẩn nghèo mà Chính phủ đưa ra cho năm nay là thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn. Điều này khiến cho nhiều người đang phải nuôi bố mẹ, anh chị em bị mất sức lao động, tàn tật… nhưng có trợ cấp 1 - 2 triệu đồng/tháng lại không được khấu trừ gia cảnh là người phụ thuộc.

Tương tự, quy định cứ mỗi lần nhận thu nhập từ 2 triệu đồng thì người lao động bị tạm khấu trừ 10% được đánh giá là quá thấp, quá lỗi thời vẫn duy trì cả 10 năm nay. Cũng vì ngưỡng tạm khấu trừ quá thấp, cứ đến cuối năm, hồ sơ đề nghị hoàn thuế (cuối năm, nếu chưa đến ngưỡng phải nộp thuế (132 triệu đồng/năm) thì người lao động sẽ phải làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại tiền đã nộp) tại Cục Thuế TP.HCM rất nhiều với số tiền hoàn thuế từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Điều này khiến cơ quan thuế thì bị quá tải về hồ sơ còn người thu nhập thấp cũng phải mất thời gian đi làm thủ tục để lấy lại số tiền của mình… Chính cơ quan thuế cũng “kêu” về quy định bất hợp lý này trong suốt nhiều năm qua và đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.

Cần cải cách toàn diện về thuế TNCN

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, ngoài mức giảm trừ gia cảnh thấp, giá cả hàng hóa tiêu dùng ngày càng tăng lên dẫn đến tỷ lệ thuế càng ngày đóng càng nhiều hơn. Ví dụ, theo tính toán của Bộ Tài chính, những cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế TNCN phải nộp hơn 20%/thu nhập. Giả sử cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì mức thuế TNCN phải nộp là 20,15%/thu nhập; 150 triệu đồng/tháng là 24,11%/thu nhập... Như vậy, những người làm công ăn lương có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng đang phải đóng thuế nhiều hơn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp được lấy doanh thu trừ đi chi phí, tiền lãi hay thu nhập còn lại mới phải chịu thuế suất 20%... nhưng người nộp thuế thì không. Riêng quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc là không thể chấp nhận. Mức thu nhập trên 1 triệu đồng không thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu mà không tính là người phụ thuộc là hết sức vô lý. “Quy định điều kiện người phụ thuộc nằm trong thẩm quyền của Bộ Tài chính nên có thể điều chỉnh sớm. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng xem xét cách nào có thể điều chỉnh những quy định lạc hậu, bất hợp lý để người nộp thuế an tâm và không cảm thấy bị bất công”, ông Trần Xoa kiến nghị.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: lương tối thiểu còn chia theo 4 vùng khác nhau trong khi thuế TNCN lại áp dụng cào bằng là chưa phù hợp. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 4,6 triệu đồng/người/tháng là quá thấp, không đủ để chi phí cho một trẻ em đang độ tuổi đi học hay một người già đang sống phụ thuộc vào con cháu. Bên cạnh đó, chỉ số CPI công bố chưa phản ánh hết mức tăng giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng trăm chi phí thiết yếu của người dân hiện nay. Vì vậy, nếu chờ theo đúng quy định CPI tăng trên 20% mới được điều chỉnh giảm trừ gia cảnh như năm 2020 là không phù hợp thực tế. Do đó, PGS-TS Trần Hùng Sơn cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần rà soát tổng thể và có cải cách lớn, toàn diện về các quy định trong luật Thuế TNCN. Trong đó phải theo hướng giảm, bỏ các bậc thuế suất thấp như bậc 1 và 2 hiện nay. Đồng thời, nâng khoảng cách giữa các bậc thuế để người làm công ăn lương đảm bảo được đời sống và vẫn còn tích lũy từ thu nhập để chi tiêu cho các trường hợp học hành, ốm đau.

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,205 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Cơ quan này cho biết trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với nông thôn. Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc. Với diễn biến hàng hóa hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh nói trên không đủ đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM.

Thuế TNCN đã quá lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế nhưng đến tận thời điểm này vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh là điều gây bức xúc trong dư luận.

Số thu từ thuế TNCN liên tục tăng

Trong khi người nộp thuế chịu thiệt thòi thì số thu từ thuế TNCN liên tục tăng. Cụ thể như năm 2013 số thu thuế TNCN chỉ đạt 46.548 tỉ đồng thì hết năm 2021 đã lên mức 123.000 tỉ đồng, gấp hơn 2,6 lần. Trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu này cũng đã đạt hơn 88.000 tỉ đồng.


Theo Mai Phương-Thanh Xuân (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.