Thủ tướng: Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2024 với tinh thần 'Năm quyết tâm', 'Năm bảo đảm' và 'Năm đẩy mạnh'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I-2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.

Các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, với tinh thần “Năm quyết tâm”, “Năm bảo đảm” và “Năm đẩy mạnh”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, với tinh thần “Năm quyết tâm”, “Năm bảo đảm” và “Năm đẩy mạnh”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công tác chỉ đạo, điều hành, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, đã tập trung chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết. Chính phủ đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, với việc hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường thứ 5; chuẩn bị các dự án luật phục vụ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 19 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 văn bản quy phạm pháp luật (31 nghị định, 5 quyết định quy phạm). Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 chỉ thị, 27 công điện, tập trung xử lý các vấn đề cấp bách, mới phát sinh. Cùng với đó, phê duyệt, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, quy hoạch; trong đó có Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tổ chức nhiều hội nghị quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, trưởng các cơ quan đại diện ở nước ngoài…

Tổ chức phiên họp thứ hai Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội XIV của Đảng; trình Bộ Chính trị Tờ trình, Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

Triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng; đàm phán, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế, trong đó nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng khác.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 3-2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Quý I năm 2024 nhìn chung tốt hơn năm 2023, với "10 mặt được" nổi bật.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 và cao hơn kịch bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,77%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,67%, dịch vụ chiếm 43,48%, thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%). Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ (Quảng Ninh tăng 39,9%, Phú Thọ tăng 27,7%, Bắc Giang tăng 24%, Thanh Hóa tăng 18,6%, Hà Nam tăng 17,9%, Ninh Thuận tăng 17,4%, Tây Ninh tăng 14,4%, Hải Dương tăng 12,8%).

Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập-xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn-xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (ảnh nguồn internet).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (ảnh nguồn internet).

Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%; trong đó xuất khẩu tăng 17% (khu vực trong nước tăng 26,2%, cao hơn khu vực FDI tăng 13,9%), nhập khẩu tăng 13,9%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Thứ tư, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Thứ năm, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực, chỉ số VNIndex tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hóa thị trường 12,2% so với cuối năm 2023.

Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 3,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng. Thu hút FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% (cao nhất trong 5 năm qua).

Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3/2024 có 14.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý I có 36.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo: Có 82% số doanh nghiệp đánh giá dự kiến quý II ổn định và tốt hơn so với quý I/2024; đặc biệt có 82,9% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu quý II ổn định và tăng hơn so với quý I/2024.

Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo từ các địa phương, tổng số tiền thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 8.100 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 2.400 tỷ đồng; người có công và thân nhân là 9.200 tỷ đồng; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Hỗ trợ hơn 17.700 tấn gạo nhân dịp Tết, giáp hạt. Các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao được tổ chức rộng khắp, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thứ mười, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%, S&P dự báo tăng 6,8%...

Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc, từ vị trí 115 lên vị trí 107. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023…

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ảnh tư liệu.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ảnh tư liệu.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đánh giá tại phiên họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để chắt lọc, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Thứ nhất, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Trong đó lưu ý tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Thứ hai, một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Lưu ý số máy bay hoạt động thương mại đến cuối tháng 3/2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhu cầu sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và dịp hè sắp tới.

Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm.

Thứ tư, về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; có nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam. Công tác ban hành kế hoạch, triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt còn chậm.

Thứ năm, trật tự an toàn xã hội một số địa bàn và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm mạng diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông tăng; vẫn còn những vụ tai nạn, cháy nổ nghiêm trọng. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL và khả năng bùng phát các dịch bệnh ở người như sởi, ho gà, bệnh dại gia tăng khá nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Về hạn chế, tồn tại, nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới tiếp tục khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế-chỉ một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Còn nguyên nhân chủ quan, tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu; sự tự lực, tự cường của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, bất ngờ…

Cơ bản đồng ý các bài học kinh nghiệm đã nêu trong báo cáo và các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học: Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả; Phải tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân; Tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm tính tổng thể, bao trùm, toàn diện, thực chất, hiệu quả; Điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý kịp thời, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành; Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật; đồng thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021- 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa sức mạnh doanh nghiệp trong nước, ngoài nước với sức mạnh của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nêu cao tinh thần "Năm quyết tâm" gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản"; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng-chống thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào 30-6 và hai dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt vào 30-4 tới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện tốt "Năm bảo đảm" gồm: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ...; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu…

Thị trường mua bán tín chỉ giảm phát thải sẽ ngày càng sôi động (ảnh minh họa)

Thị trường mua bán tín chỉ giảm phát thải sẽ ngày càng sôi động (ảnh minh họa)

Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024. Và bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Cụ thể hơn về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước-quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cùng với đó, phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước: Tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế (phấn đấu giảm nợ đọng còn 3-4%). Khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tăng cường công tác bảo mật, an ninh, an toàn hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; dứt khoát không để thiếu điện.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh", gồm: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…).

Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không tạo thêm rào cản cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài.

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; chuẩn bị tốt các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành chương trình, dự án cụ thể.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành.

Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương với mốc thời hạn hoàn thành cụ thể, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền; với các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công làm việc trực tiếp với các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

(GLO)- Những ngày qua, không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại lan tỏa khắp các khu dân cư trên địa bàn thị xã An Khê. Ngày hội là dịp để chính quyền địa phương triển khai các công trình ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết và chung sức xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.