Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy các dự án vùng và liên vùng Đông Nam Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng Đông Nam Bộ, có tính chất quan trọng, cấp bách, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 10/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ Tư của Hội đồng để rà soát việc thực hiện các nội dung đề ra tại Hội nghị lần thứ 3 và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

Theo Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, trong 7 tháng qua, dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên.

Tổng thu ngân sách Nhà nước toàn Vùng đạt hơn 391.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu Ngân sách Nhà nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Về Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, tiếp tục tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện.

Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hiện nay, một số dự án quan trọng, liên kết vùng đang triển khai có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là các dự án: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Tại Hội nghị, Hội đồng cũng nghe và thảo luận về tình hình triển khai Đề án hình thành, đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu; Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển giao thông kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai), hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo của Hội đồng cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, xây dựng, tâm huyết, cầu thị của các đại biểu đối với sự nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến được nêu, để tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ trong quá trình triển khai Quy hoạch vùng thời gian tới.

Thủ tướng cho biết tại Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 5/2024, Hội đồng đã đề ra 9 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ là: Bổ sung quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa.

Thủ tướng cho rằng kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua của vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.

Trân trọng ghi nhận đóng góp của vùng vào kinh tế-xã hội của cả nước, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình phát triển của Vùng Đông Nam Bộ thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Trong số đó, tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng thấp hơn mức bình quân cả nước; mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Vùng chưa thực sự bền vững; ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu của để tập trung thực hiện nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ chính phủ, bội chi ngân sách; triển khai các quy hoạch thông qua kế hoạch thực hiện các Quy hoạch.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện, trình để Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thành phố.Thủ tướng yêu cầu rà soát các điểm nghẽn về pháp lý đề xuất sửa đổi, nhất là Luật Đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung cho 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhất là những ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho phát triển, trong đó thực hiện đẩy mạnh 3 đẩy mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch Vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 và năm 2024.

Cho biết kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ có 29 nhiệm vụ các bộ, cơ quan cần tập trung thực hiện, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì khẩn trương hoàn thành nghiên cứu các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam qua vùng Đông Nam Bộ, các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu. Đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 tại kỳ họp tháng 11/2024.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 tại kỳ họp tháng 11/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo khả năng cân đối vốn. Bộ Tài chính nghiên cứu tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương bình quân của vùng Đông Nam Bộ sao cho đảm bảo hài hòa với ngân sách trung ương và địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Chơn Thành-Gia Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh- Thủ Dầu Một-Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, địa phương tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Trong số đó dành nguồn vốn phù hợp để chuẩn bị đầu tư để bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với quyết tâm cao, sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và người dân, vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch vùng đã phê duyệt. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đạt được nhiều kết quả xuất sắc hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.