Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp đại diện 60 tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) do Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Cùng tham dự có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Về phía Hoa Kỳ và USABC có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper; đại diện hơn 60 quỹ đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, ông đã có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ để cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác này. Các hoạt động hợp tác, kinh doanh giữa hai bên được thúc đẩy, trong đó có vai trò, đóng góp của USABC. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Hoa Kỳ, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ là hình mẫu của hàn gắn, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, vì lợi ích của hai nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

"Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đóng góp vào quá trình hàn gắn vết thương sau chiến tranh và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung; qua đó, cũng góp phần giúp Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"-Người đứng đầu Chính phủ phát biểu.

Theo Thủ tướng Chính phủ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… là những trụ cột quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước trong khuôn khổ mới phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả hơn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mong muốn.

Để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam cam kết "3 bảo đảm" và "3 cùng".

Theo đó, ba "bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Và bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài ở Việt Nam.

Ba "cùng" gồm: Cùng lắng nghe, thấu hiểu với doanh nghiệp và người dân; Cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, góp phần phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới; Cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Nêu mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Hoa Kỳ nói chung và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu trên; đồng thời cùng ứng phó với các thách thức mang tính tính toàn cầu, toàn dân, như: Biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên… trong bối cảnh Việt Nam còn những khó khăn do một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài có hạn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius và đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là trong những năm vừa qua; đánh giá cao môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và bày tỏ cảm ơn về sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng; cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ô tô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch...

"Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ấn tượng với việc Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam cuối năm 2023; vui mừng trước việc hai nước nâng cấp quan hệ; đánh giá Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trung tâm sản xuất quan trọng, là một thành tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang hào hứng khám phá những cơ hội hợp tác mới", ông Ted Osius cho biết.

Các doanh nghiệp cũng thông báo những dự án đầu tư mới; đề xuất Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các vấn đề liên quan cấp phép đầu tư, giấy phép lao động và visa; có cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế trong một số lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển giao thông xanh, giảm phát thải carbon, chuyển đổi năng lượng; phát triển hạ tầng, logistics… để doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn tại Việt Nam.

Sau khi các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan trao đổi, phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp thành viên của USABC, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp USABC; yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến trả lời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; cho rằng có 3 điều hơn qua cuộc làm việc đó là "chia sẻ, thông cảm, tin cậy nhau hơn", "cam kết hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn" và "có trách nhiệm với nhau nhiều hơn".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến trả lời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến trả lời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm: Đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng phân cấp, phân quyền, giảm khâu trung gian, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; đột phá về hạ tầng, trong đó có hạ tầng phát triển xanh, phát triển số, phát triển kinh tế tuần hoàn, giao thông, logistics…, giảm chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh, phục vụ doanh nghiệp phát triển các ngành mới nổi, góp phần vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, khắc phục các đứt gãy trong giai đoạn hiện nay; đột phá về cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình phát triển.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp của USABC có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên thúc đẩy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nhất là công nghệ cao phục vụ cho các ngành mới nổi, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và làm mới các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; góp ý, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực quản trị thông minh, hiện đại, tiên tiến; hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển thời kỳ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, thời gian tới khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể, với những sản phẩm cụ thể, hiệu quả cụ thể, có lợi cho cả hai bên.

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này