Thu phí không dừng: Tiền lãi ai hưởng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhà đầu tư BOT cho rằng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (VETC) cần giải quyết những bất cập đang tồn tại.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, hiện nay dự án nảy sinh nhiều bất cập, cần được giải quyết để hài hòa lợi ích…”. Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, đặt vấn đề như trên tại buổi tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng?” do báo giao thông tổ chức diễn ra ngày 2-4.
Cần làm rõ phương án tài chính
Theo ông Thế, muốn thẻ thu phí tự động không dừng (Etag) hoạt động, người dân phải nộp một khoản tiền vào thẻ. Với ba triệu ô tô các loại, mỗi tài khoản nộp 500.000 đồng thì VETC sẽ nắm giữ khoảng 1.500 tỉ đồng. “Vậy VETC tính toán như thế nào trong phương án tài chính, có trả lãi cho người dùng không? Ai là người hưởng khoản vay này? Bên cạnh đó, VETC thu phí tại các trạm mỗi ngày lên tới hàng ngàn tỉ đồng và chỉ hoàn trả cho nhà đầu tư BOT sau một ngày, vậy số tiền “lãi qua đêm” ai hưởng?” - ông Thế đặt câu hỏi và đề nghị Bộ GTVT phải làm rõ việc này.
Ngoài ra, ông Thế cũng chỉ ra những bất cập khi bàn giao trạm BOT cho VETC thu phí. Cụ thể, trách nhiệm giải quyết phát sinh trong quá trình vận hành, quản lý trạm thu phí như ùn tắc... Đặc biệt là tình huống đứt cáp quang, doanh số không báo trên hệ thống điện tử trong khi các xe vẫn lưu thông qua trạm thu phí không dừng. “Khoản doanh thu này thất thoát sẽ phải giải quyết như thế nào?” - ông Thế đặt câu hỏi.
Liên quan trả lãi trong thẻ Etag, ông Nghiêm Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng theo quy định, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho đơn vị này. Hơn nữa, trên thực tế, người dân chuyển tiền vào tài khoản trước hết phục vụ lợi ích cho chính người sử dụng dịch vụ đó. Cụ thể, xe qua trạm nhanh, không phải thanh toán bằng tiền mặt. Đối với khoản gọi là “lãi qua đêm” thì lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 0,5%/năm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng các quy định đều thông qua hệ thống hợp đồng kinh tế. “Về tiền ngân hàng, mọi người cứ nói hàng ngàn tỉ đồng gửi qua đêm ai hưởng lãi. Xin thưa, làm gì có chuyện đó. 99 trạm thu phí trên cả nước, một ngày doanh thu cũng chỉ khoảng 100 tỉ đồng” - ông Thọ nhấn mạnh và khẳng định việc thu tiền vào và chuyển đi hoàn toàn là chuyện của nhà đầu tư và ngân hàng, VETC không can thiệp vào.
 
Theo quy định, trong năm 2019 tất cả trạm BOT phải triển khai thu phí không dừng. Ảnh: VIẾT LONG
Phải hài hòa lợi ích
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết vừa qua Bộ GTVT triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Về nguyên tắc, khi đấu thầu cần có một dự án với đầy đủ yêu cầu về công nghệ, cơ chế, chính sách.
“đến nay tôi thấy chúng ta chú trọng nhiều về mặt công nghệ nhưng chưa giải quyết những vấn đề cơ chế, chính sách. Vì còn nhiều ý kiến về tiền đọng trong tài khoản ngân hàng, tiền chuyển cho nhà đầu tư BOT mấy lần trong ngày, tiền của nhà cung cấp dịch vụ thu phí hưởng bao nhiêu %...” - ông Quyền dẫn chứng.
Vị chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cũng cho rằng để dự án triển khai nhanh, chậm tùy thuộc vào việc giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và Nhà nước.
“Trong đó, nhà đầu tư BOT phải có lợi hơn so với thu phí hiện nay, tức chi phí thu tự động thấp hơn thu thủ công. Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ phải có lãi. Người sử dụng dịch vụ đường bộ tiện lợi, nhanh hơn, đặc biệt cần phải có chính sách gì để giảm giá hay ưu đãi khi họ trả tiền trước vào tài khoản. Cuối cùng, đảm bảo giám sát công khai, minh bạch, giám sát được doanh thu…” - ông Quyền nhấn mạnh.
Khi giải quyết được các bài toán trên, theo ông Quyền, lúc đó mới đưa ra đấu thầu. Nếu dự án chưa giải quyết đầy đủ, toàn diện các yêu cầu này, Bộ GTVT nên đưa các nội dung vào trong hợp đồng mời thầu để đảm bảo việc triển khai dự án được rõ ràng.
Kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng thu phí không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ nên cần thực hiện đúng lộ trình. “Chúng ta cũng chấp nhận có một giai đoạn quá độ để hoàn thiện. Trong quá trình triển khai, vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa phù hợp phải bổ sung…” - ông Thọ nhìn nhận.
Tỉ lệ chưa đạt yêu cầu
Ông Nguyễn Viết Huy (Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư PPP, Bộ GTVT) thông tin: “Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 có 28 trạm, hiện hoàn thành 26 trạm, còn hai trạm chưa thực hiện do đang dừng và hết hạn thu phí. Giai đoạn 2 có 33 trạm. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đấu thầu, dự kiến tháng 4 sẽ tiến hành và trong năm nay sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, công tác dán thẻ Etag khá chậm, hiện nay chỉ có khoảng 700/3,5 triệu phương tiện dán thẻ. Mặc dù công tác triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỉ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu…”. 

Viết Long (PL) 

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.