Thu hút đầu tư vào Gia Lai: Hứa hẹn nhiều bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ thành công của chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020, chúng ta có lý do để tin tưởng, kỳ vọng sự bứt phá trong thu hút đầu tư tại tỉnh nhà.


Khi “chuông” được… gióng từ các nhà đầu tư

Trước đây, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã phải kêu gọi sự chú ý của các nhà đầu tư. Nhưng trong chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp có thực lực đến từ Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thì mọi việc đã khác. Chính các doanh nghiệp có dự án trên địa bàn tỉnh đã chủ động “gióng chuông” kêu gọi đầu tư giúp Gia Lai.

Ký kết giao thương kết nghĩa giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tại chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hà Duy
Ký kết giao thương kết nghĩa giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tại chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hà Duy


Ông Trịnh Văn Quyết-Chủ tịch Tập đoàn FLC, một doanh nghiệp có 7 dự án đang triển khai đầu tư tại Gia Lai-không tiếc lời khen: “Gia Lai là địa điểm có điều kiện về tự nhiên, khí hậu, dân số tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có. Tôi từng 3 lần đến Gia Lai để tìm hiểu cơ hội đầu tư và đã có chiến lược đầu tư lâu dài tại tỉnh. Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ rất tích cực của tỉnh hơn cả mong đợi. Chính quyền đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, đất đai... Hy vọng với những dự án đầu tư, chúng tôi sẽ góp phần thay đổi diện mạo du lịch cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Tôi là người tiên phong đánh thức “hoa hậu Gia Lai”. Tôi mong những năm tiếp theo, các doanh nhân, du khách sẽ biết đến Gia Lai nhiều hơn. Tôi cam kết đến năm 2021-2022, FLC sẽ quảng bá con người, cảnh quan cũng như tiềm năng của Gia Lai, đây là việc tự nguyện, trước tiên là vì chúng tôi, sau là góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tôi cho rằng, Gia Lai là tỉnh dễ “đánh thức” hơn nhiều tỉnh thành khác, vì đã có sẵn tiềm năng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hải-Chủ tịch Alphanam Group-chia sẻ: “Gia Lai là địa phương có nhiều cơ hội và tiềm năng, rất hấp dẫn, đó là lý do mà Tập đoàn Alphanam chọn làm nơi đầu tư. Song cơ hội và tiềm năng dù nhiều nhưng có hạn, nếu các doanh nghiệp khác không nhanh chân thì sẽ mất cơ hội. Alphanam chúng tôi may mắn khi đã có cơ hội đầu tư vào đây. Tôi mong tiếp theo sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục nghiên cứu để chớp lấy cơ hội đầu tư vào tỉnh. Nếu các doanh nghiệp khác đi sau cần hỗ trợ gì liên quan tới đầu tư vào Gia Lai, chúng tôi sẵn sàng tư vấn, góp ý”.

Sẽ bứt phá

Việc kêu gọi đầu tư của tỉnh ngày càng đa dạng, bằng nhiều hình thức và tập trung nhiều vào lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án chế biến sâu từ sản phẩm nông nghiệp, các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối… đã tạo ra sự khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư. Riêng giai đoạn 2016-2020, có 238 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 64.406 tỷ đồng.

Tiêu biểu như: Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa với công suất 49 MW; Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Chư Ngọc-Krông Pa-LICOGI 16 công suất 15 MWp; Nhà máy chế biến rau quả (giai đoạn 2) của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE... Có 16 dự án điện gió với tổng công suất 1.192,4 MW. Bên cạnh đó là các dự án nhà máy tinh bột mì Ia Pa; Nhà máy si rô cô đặc và phân vi sinh tổng hợp của Công ty TNHH Thương mại-Chế biến Nông-lâm sản Đường Vạn Phát…

Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Với sự hiện diện của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, thu ngân sách trên địa bàn tăng qua các năm, giúp giải quyết việc làm, ổn định kinh tế, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, bộ mặt thành thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển sẽ phát huy được tính cộng đồng trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững; góp phần hoàn thành chính sách nhà ở trong đối tượng gia đình chính sách và người có công”.

 Mô hình dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi theo bản thuyết minh (ảnh Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai cung cấp).
Mô hình dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi theo bản thuyết minh (ảnh Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai cung cấp).

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Tôi hy vọng thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ mang đến cho Gia Lai một luồng gió mới, một sinh khí mới để phát triển đi lên cùng cả nước. Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp”.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng, thành viên là Giám đốc các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án đầu tư. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công đặt tại Bưu điện tỉnh để giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư tìm hiểu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đăng ký dự án, tỉnh sẽ linh động bổ sung vào danh mục kêu gọi đầu tư hoặc có văn bản đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án một cách kịp thời.

Sắp tới, hàng loạt doanh nghiệp có thực lực sẽ đầu tư vào tỉnh như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Alphanam, Công ty TNHH Phú Thái Holdings, Công ty cổ phần Eurowindow Holding, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, Tập đoàn Trường Hải…

 

KIM LINH
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.