(GLO)- Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và quy định của Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai hoạt động thông tin đối ngoại đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”.
Thông tin đối ngoại linh hoạt, hiệu quả
Trên cơ sở các nội dung định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là các cơ quan báo chí tích cực triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử văn hóa, bản sắc Việt Nam và của tỉnh đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, chủ động thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu những chủ trương, chính sách, tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhằm mời gọi các nhà đầu tư đến với Gia Lai để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, hợp tác, đầu tư.
Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thông tin đối ngoại về kinh tế. Những lợi thế của tỉnh như diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn; những tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp-thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch được quảng bá rộng rãi thông qua nhiều kênh. Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được quan tâm triển khai thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Nhiều hợp đồng kinh tế, biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư được xác lập. Riêng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022), tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh; ký biên bản ghi nhớ 22 dự án với tổng vốn đăng ký gần 130.000 tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ USD. Đây chính là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới năm 2021 tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy |
Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, hoạt động quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với bạn bè, du khách quốc tế cũng được đẩy mạnh. Việc tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các di sản đã được xếp hạng, ghi danh được triển khai thường xuyên. Hàng năm, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh có hàng trăm tin, bài, ảnh, video clip, phóng sự với nội dung phong phú về thông tin đối ngoại. Năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và phát hành 2 ấn phẩm thông tin đối ngoại tuyên truyền giới thiệu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh và “Di tích Gia Lai-Tài nguyên phát triển du lịch bền vững”. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các địa phương trong tỉnh đã tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành nhiều tài liệu, các câu chuyện liên quan đến sự hình thành các điểm du lịch, các sự tích, truyền thuyết về văn hóa, lịch sử của địa phương; phối hợp xây dựng nội dung, hình thức của website du lịch liên kết 4 tỉnh: Phú Yên-Bình Định-Gia Lai-Đak Lak.
Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, công tác thông tin đối ngoại được tăng cường, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị khu vực biên giới. Lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) đã phối hợp tốt trong việc bảo vệ hệ thống cột mốc, đoạn biên giới đã được phân giới, cắm mốc và đoạn biên giới hiện quản theo đúng tinh thần Hiệp định về quy chế biên giới, Thỏa thuận cấp cao của Chính phủ 2 nước đã ký kết. Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng; tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên giữ gìn tốt mối quan hệ với lực lượng vũ trang các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Các đơn vị gửi file âm thanh tuyên truyền về Luật Xuất nhập cảnh cho 121 thôn, làng của 43 xã, thị trấn thuộc huyện Ia Grai, Chư Prông và Đức Cơ để tổ chức phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực quan. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; tập trung tuyên truyền về thực hiện bản ghi nhớ chung giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri.
Công tác thông tin đối ngoại gắn với hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì việc tổng hợp, biên tập, phát hành báo cáo hàng tháng về tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác; báo cáo chuyên đề trên một số lĩnh vực phục vụ hoạt động chỉ đạo của tỉnh, cấp huyện và lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; duy trì các trang, tài khoản mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên không gian mạng; duy trì thông tin, phản ánh công tác đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền. Công an tỉnh thực hiện hiệu quả công tác dự báo, tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền, viết bài đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thông tin đối ngoại.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thông tin
Để hoạt động thông tin đối ngoại tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian đến, các ngành chức năng cần tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung quản lý tốt và quảng bá hiệu quả các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; tuyên truyền, quảng bá du lịch. Triển khai các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh; kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch...
Bên cạnh đó, cần củng cố, tăng cường các cơ chế phối hợp, tạo thống nhất, đồng bộ trong triển khai công tác thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại của Đảng. Tích cực cung cấp thông tin thời sự và hướng dẫn thông tin đối ngoại cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể. Xây dựng và cập nhật thường xuyên các ấn phẩm, phim tài liệu; ứng dụng công nghệ mới tuyên truyền ra bên ngoài với các hình thức nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực, nhất là thông qua việc số hóa các sản phẩm. Phát huy hiệu quả các báo điện tử, trang thông tin điện tử của các sở, ngành. Tăng cường giao lưu, hợp tác với lãnh đạo các địa phương, nhà nghiên cứu uy tín, tích cực vận động viết bài, hoạt động quảng bá hình ảnh của tỉnh ra với bạn bè trong nước và thế giới.
Ngoài ra, cần chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là trong vấn đề biên giới, biển đảo, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những vấn đề quan trọng khác. Tiếp tục củng cố mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan làm công tác thông tin đối ngoại đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác thông tin đối ngoại cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
TỐNG THỚI MỐC