Thiêng liêng ngày về đất mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không khí trang nghiêm và thành kính, sáng 22-5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trọng thể tổ chức lễ đón, truy điệu và an táng 21 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.

Tham dự lễ có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng đại diện Cơ quan Thường trực Ủy ban Chuyên trách Chính phủ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đại diện chính quyền các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear (Vương quốc Campuchia); Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 4 (Quân đội Hoàng gia Campuchia)…

 

Lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ, nhân dân trong tỉnh tại lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ, nhân dân trong tỉnh tại lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Đức Thụy

Bình yên ngày về

Từ tỉnh Ratanakiri, đoàn xe chở hài cốt các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam chầm chậm xa dần biên giới nước bạn Campuchia để tiến dần về phía đất mẹ Việt Nam yêu thương. Ngay tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đang chờ đợi thời khắc đón những người con thân yêu của Tổ quốc đã hiến dâng trọn đời mình cho nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Hòa trong dòng người đông đúc đến tiễn đưa các anh về với đất mẹ, vợ chồng bà Đỗ Thị Xuân (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) dẫn theo cháu nội là Võ Hoài Thu (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Chu Văn An) đến đón các anh. Nhà cách Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ khoảng 6 km nhưng vợ chồng bà đã có mặt từ rất sớm. Ông bà đưa cháu theo cùng với tâm nguyện: “Chúng tôi muốn cháu biết đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hiểu và ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông mà ra sức học tập”.

Trong khi đó, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh (thị trấn Chư Ty) cũng đến tiễn đưa đồng chí, đồng đội mình về đất mẹ. Những cảm xúc không thể nói thành lời cứ mãi trào dâng trong lòng ông. “Đến tiễn đưa các anh về nơi vĩnh hằng sau bao năm nằm lại nơi đất bạn, dù có chút muộn màng nhưng qua đó cũng ghi nhận những nỗ lực lớn lao của Đảng và Nhà nước để các anh có ngày trở về như hôm nay”-ông Thịnh xúc động.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân đến thắp hương cho các liệt sĩ. Ảnh: Đức Thụy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân đến thắp hương cho các liệt sĩ. Ảnh: Đức Thụy

Cùng bạn bè đứng trong hàng ngũ đón các hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, em Nguyễn Hồng Phong-học sinh lớp 12 C8, Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) bày tỏ: “Thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngoài ra, các bác, các chú còn hy sinh vì nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng giúp đất nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Chúng em nguyện học tập thật tốt và noi gương cha ông gìn giữ, xây dựng đất nước luôn giàu đẹp, để các bác, các chú an lòng yên nghỉ”. Theo anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ, sự hy sinh của các anh là vô cùng to lớn. Trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay là phải ra sức thi đua trong lao động, công tác. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cũng như truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Tiếng chuông thỉnh nguyện cầu mong hương hồn các liệt sĩ được siêu thoát nơi quê nhà vang lên trong không khí trang nghiêm. Tiếp đó, điếu văn truy điệu càng khiến cho buổi lễ thêm long trọng, thiêng liêng và xúc động. Ai cũng bùi ngùi bởi chiến tranh đã lùi lại phía sau rất nhiều năm nhưng đến hôm nay các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh tại các chiến trường Campuchia mới được trở về quê hương, được ôm ấp trong vòng tay yêu thương của đất mẹ Việt Nam.

Trong niềm thành kính

 

21 hài cốt liệt sĩ đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: Đức Thụy
21 hài cốt liệt sĩ đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Ảnh: Đức Thụy

Trong điếu văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Với tinh thần quốc tế cao cả và tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam-Campuchia, Đảng, Nhà nước ta đã cử hàng ngàn chiến sĩ và chuyên gia sang giúp nước bạn đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot. Nhiều chiến sĩ Quân Tình nguyện đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và nằm lại nơi đất lạnh trong nỗi đau đáu nhớ thương của người thân nơi quê nhà. Do vậy, việc đón các liệt sĩ về với đất mẹ Việt Nam là tâm nguyện thiết tha của Đảng, Nhà nước, của gia đình và nhân dân các dân tộc Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà cũng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam rất tự hào về những tấm gương chiến đấu anh dũng và hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, góp phần vào thắng lợi của cách mạng 2 nước; tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của 2 dân tộc Việt Nam-Campuchia.

Những năm qua, được sự quan tâm của 2 chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ tận tình của chính quyền, nhân dân 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 4 (Quân đội Hoàng gia Campuchia) cùng với sự tích cực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai), đã có 1.395 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh được tìm kiếm, quy tập và đưa về nước. Đã 18 năm nay, cứ đến đầu mùa khô hàng năm, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 lại tiếp tục hành trình lên đường sang đất bạn Campuchia thực hiện nhiệm vụ. Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Toản-Đội trưởng Đội K52, công tác quy tập ngày càng khó khăn, năm sau khó hơn năm trước. “Lượng thông tin ngày càng ít, những người biết chuyện thì giờ đã già, nhiều người đã mất, số người còn lại thì trí nhớ không còn minh mẫn. Chưa kể thời tiết, khí hậu ở nước bạn vô cùng khắc nghiệt, mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì lầy lội. Có thời điểm phải sử dụng xuồng vượt sông mới đi được”-Thượng tá Toản nêu khó khăn. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng nên dù khó khăn vất vả đến mấy, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 vẫn quyết tâm để sớm đưa được các bác, các chú, các anh về với đất mẹ thân yêu.

Sau các nghi lễ cần thiết, 21 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh tại các chiến trường Campuchia đã được an táng trọng thể tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Từ nay, các liệt sĩ sẽ mãi mãi ấm áp trong lòng đất mẹ, trong khói hương và trong niềm biết ơn vô hạn của đồng bào cả nước.

Trong điếu văn tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận: Trong cuộc đấu tranh giúp nhân dân Campuchia giành độc lập, thoát khỏi họa diệt chủng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia anh dũng chiến đấu, hy sinh. Máu đào của các liệt sĩ đã tô thắm lá Quốc kỳ vinh quang của Tổ quốc Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt Nam-Campuchia. Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam-Campuchia mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các liệt sĩ.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...