Lạ kỳ làm sao hình ảnh cụ già đầm mình trong nước lũ nhận thùng mì gói cứu trợ khiến tôi nhói lòng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rời Việt Nam đã gần hai thập niên, có điều gì có thể làm tôi xót xa đến thế?
Ông Nguyễn Trọng Minh (65 tuổi, thôn Nam Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận hàng cứu trợ giữa nước lũ. |
Những ngày tháng 10, ở miền Trung Việt Nam là cơn lũ lịch sử nhấn chìm làng mạc và cướp đi sinh mạng của hàng chục người; ở Pháp là quãng thời gian căng mình chống dịch COVID-19. Đối diện với thực tế khó khăn đến vậy, mấy ai còn tâm trí lo nghĩ đến người ở nơi xa?
Ấy vậy mà trên Facebook, hình ảnh từ quê nhà vẫn được cập nhật đều đặn. Những hội nhóm người Việt địa phương vẫn đứng ra quyên góp, thu vén tìm cách gửi về quê hương.
Ngày 22-10, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Pháp (UNICEF Pháp), nơi tôi đang công tác, phát đi một thông cáo về tình cảnh khó khăn của hơn 1,5 triệu trẻ em miền Trung Việt Nam trước nguy cơ sạt lở đất, lỡ dở học hành, thiếu ăn, thiếu nước và vệ sinh kém khi cơn bão đi qua, trong một nỗ lực kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm.
Lướt qua danh sách tài trợ, nhiều lần tôi bắt gặp những cái họ Việt Nam. Tôi tự hỏi rằng trong số những người đã gửi tiền cho UNICEF Pháp với niềm tin sẽ giúp được những mảnh đời cách xa họ hàng ngàn cây số ấy, còn giữ cho mình một mối dây mong manh về nguồn cội, dẫu cho tên họ bây giờ đã không còn là những Nguyễn, Trần, Lê?
Nước Pháp là nơi có một trong những cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất trên thế giới. Người Việt ở Pháp ở nhiều tầm tuổi khác nhau. Có những cụ ông, cụ bà đã 70-80, có giới trung niên như tôi và các bạn đồng trang lứa, có những thanh niên mười tám đôi mươi lần đầu được ra nước ngoài và cả những bạn nhỏ tầm tuổi con tôi.
Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, dù đã sang Pháp từ bao lâu, ở những người Việt mà tôi từng tiếp xúc, mối liên hệ với quê hương bản quán vẫn rất rõ nét. Chúng tôi có những cách riêng để nhớ về quê hương của mình, để kêu gọi chung tay giúp đỡ khi có biến cố xảy ra, để sống đúng nghĩa đồng bào dù đang ở trời Tây.
Những lần tham gia đêm nhạc từ thiện trong cộng đồng là lúc tôi biết trong tâm khảm mỗi người Việt ở đây, quê hương, đồng bào vẫn là những thứ gì đó không bao giờ dứt đi được, dù cho khoảng cách bao xa, dù thời thế đổi thay và khó khăn trước mắt có như thế nào.
Đêm qua trước khi ngủ, hình ảnh cuối cùng hiện lên trong đầu tôi là khúc ruột miền Trung. 7h sáng giờ Pháp, 1h chiều giờ Việt Nam, với tay lấy điện thoại, điều đầu tiên tôi đọc là xem cơn bão Molave đã vào đến đâu.
Dẫu biết là không gì có thể cản lại thiên tai, nhưng biết rằng mình vẫn còn có thể giúp, có thể đóng góp với quê hương khiến tôi dịu lòng đi đôi chút.
Và tôi tin nhiều người Việt Nam tha hương trên trái đất này cũng cảm thấy như vậy.
Theo ĐỒNG THÙY ANH (TTO)