Còn hiện nay, công nghệ số giúp nhà nước đưa các dịch vụ đến người dân nhanh hơn mà không phụ thuộc địa lý. Những con số như 85% dân số có điện thoại thông minh, 98% dân số tiếp cận cận internet, cả nước có 75 triệu tài khoản mạng xã hội và gần 7 giờ sử dụng internet mỗi ngày cho thấy cuộc sống người dân đang chuyển dần lên không gian mạng.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hơn 70% dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến, hơn 95% người trên 15 tuổi có tài khoản thanh toán, hơn 50% dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, hơn 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Khi các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến thì việc duy trì bộ máy cồng kềnh trở nên lạc hậu và tốn kém.
Tinh gọn bộ máy gắn với chuyển đổi số được nhiều chuyên gia nêu ra trong các hội thảo gần đây. Khuyến nghị đó không hề theo kiểu phong trào mà dựa trên những dữ liệu về thành quả của các mô hình quản lý nhà nước trên thế giới, và thực tiễn VN đã đạt được. Dịch vụ công trực tuyến không chỉ tiết kiệm về mặt thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp mà còn thúc đẩy bộ máy hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Người dân ngồi ở nhà nộp hồ sơ thay vì phải tay xách nách mang đủ loại hồ sơ, giấy tờ lên trụ sở cơ quan công quyền ngồi chờ đến lượt, có khi còn bị hoạnh họe, vòi vĩnh.
Việc thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Quảng Ninh là bước đi thận trọng, nhưng cũng hứa hẹn nhiều bài học kinh nghiệm quý trước khi áp dụng rộng rãi cả nước. Theo mô hình của TP.HCM, người dân được quyền nộp hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính, bộ phận một cửa ở nhiều sở, ngành cũng không còn. Như vậy, nền hành chính vận hành trên nền tảng số sẽ là điều kiện cần để xem xét việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Thực tiễn một hồ sơ liên quan đến nhiều bộ, ngành đang khiến người dân, doanh nghiệp vất vả đủ kiểu được truyền thông phản ánh. Khi đụng chuyện, mỗi bộ, ngành đều viện lý do vướng luật này luật kia, địa phương với bộ, ngành "đá" trách nhiệm qua lại. Ai cũng có lý do để đổ lỗi, còn công việc thì không có lối ra. Thấy khó, thấy vướng nhưng ít cơ quan nào đề xuất chuyển quyền hạn mà cứ giữ khư khư. Hồ sơ "đứng hình" kéo dài không chỉ khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội mà nhà nước mất đi nguồn lực phát triển, nếu tích tụ lâu dần sẽ mất niềm tin.
Thực tiễn bất cập đó đòi hỏi việc tinh gọn bộ máy cần gắn với tư duy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Những chức năng trùng lắp, giao thoa giữa các bộ, ngành cần điều chỉnh lại, giảm cấp trung gian, rõ việc, rõ trách nhiệm. Không ít chuyên gia cho rằng cấp trung ương phải làm gương trong chủ trương tinh gọn bộ máy, thực hiện đồng bộ xuống địa phương tạo sự lan tỏa. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiện đại sẽ là nền móng vững chắc để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Sỹ Đông (TNO)