Tinh gọn bộ máy để thiết thực chống lãng phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngân sách đang phải bỏ ra gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động trong khi có bộ trưởng nói rằng đơn vị mình cắt giảm 30 - 40% biên chế cũng không hề hấn gì.

Sáng 19/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Sáng 19/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh tới vấn đề tinh gọn bộ máy, mới nhất là tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết 18). Trước đó vào đầu tháng 11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, cho rằng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”

Thực trạng này thực sự đáng lo ngại. Mới đây, Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) đã chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội rằng: “Có đồng chí bộ trưởng nói với tôi là nếu bộ tôi giảm 30 - 40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì”. Hậu quả, như chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận ở tổ tại Quốc hội hôm 31/10, là ngân sách đang phải bỏ ra gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Trong khi đó, ở các nước khác, mức chi này có hơn 40% và họ có ít nhất trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Do đó, khi đề cập đến việc tinh gọn bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được” và "tới đây, cấp Trung ương, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu đi đầu”.

Thực tế cho thấy đã có những chuyển động tích cực từ Trung ương. Ngày 19/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 đã nhóm họp phiên thứ nhất. Trước đó vào ngày 18/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Còn vào ngày 16/11, Chính phủ cũng xây dựng cơ cấu tương tự do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, nhằm nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18. Rõ ràng, trong vấn đề tinh gọn bộ máy, Trung ương đang rất khẩn trương, tích cực triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Chuyển động từ Trung ương sẽ tạo bước đột phá vì Trung ương mà gọn thì địa phương sẽ gọn: Không còn bộ nữa thì tỉnh sẽ không có sở mà tỉnh không có sở thì huyện cũng không có phòng. Tinh giản bộ máy do đó sẽ có tác động lớn tới việc cân đối lại tình hình chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển. Việc này rõ ràng phù hợp với chủ trương lớn của Đảng ta hiện nay là tăng cường tiết kiệm và chống lãng phí. Thực tế ở Bắc Kạn cho thấy sau hai đợt sáp nhập (năm 2019 và 2021), chỉ ở cấp cơ sở, toàn tỉnh đã giảm được 14 đơn vị hành chính cấp xã (11,47%) và 129 thôn, tổ dân phố, tiểu khu (9,08%), tương đương giảm khoảng 1.600 người làm việc ở các thôn, tổ dân phố, tiết kiệm được khoảng 140 triệu đồng/thôn/tổ/năm.

Như vậy, vấn đề đầu tiên có thể thấy là tinh giản bộ máy sẽ dẫn tới sự dư thừa về trụ sở. Ngay tại Hà Nội có thể thấy sau sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước bị dôi dư, không được sử dụng, thậm chí là bị bỏ hoang như trụ sở thuộc Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê nằm trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông. Mặc dù nằm ở nơi được xem là tấc đất tấc vàng, nhưng trụ sở này hầu như bị bỏ hoang, trong tình trạng cửa khoá then cài, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Khi công tác tinh gọn bộ máy được thúc đẩy, số lượng trụ sở công dư thừa chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Vậy làm sao phải sử dụng hiệu quả những trụ sở này để tránh tình trạng lãng phí tài sản công?

Dãy nhà bỏ không tại số 55 phố Tô Hiệu trước đây là trụ sở thuộc Cục Thống kê Hà Tây cũ, được sáp nhập và chuyển giao cho Cục Thống kê TP Hà Nội sử dụng từ năm 2008. Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Dãy nhà bỏ không tại số 55 phố Tô Hiệu trước đây là trụ sở thuộc Cục Thống kê Hà Tây cũ, được sáp nhập và chuyển giao cho Cục Thống kê TP Hà Nội sử dụng từ năm 2008. Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức

Quan trọng hơn phải thấy rằng tinh gọn bộ máy sẽ liên quan tới số lượng vị trí, chức vụ giảm xuống, lao động dôi dư. Vậy sẽ phải sắp xếp nhân sự ra sao? Ai sẽ là người phải cắt giảm? Tiêu chuẩn đối tượng bị cắt giảm như thế nào? Đây đều là những vấn đề cần bàn thảo thật thấu đáo, làm thật công tâm, chính xác và quan trọng là cần cả sự hy sinh, chia sẻ của nhân sự liên quan. Nếu sau tinh giản, bộ máy còn lại những người vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tinh thần tiên phong của người cán bộ, đảng viên thì đó là điều tuyệt vời, việc tinh giản sẽ mang tới hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sau tinh giản, ở lại là con ông cháu cha, là những thành phần lợi ích nhóm, sách nhiễu, vòi vĩnh… còn chất xám lại chảy máu thì hậu quả sẽ khôn lường. Chính vì thế, phát biểu hôm 19/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Một vấn đề nữa là sau tinh giản bộ máy, lao động dôi dư sẽ làm gì. Ở đây vấn đề hướng nghiệp và đào tạo lại rất quan trọng, để làm sao lao động chuyển ra khỏi hệ thống công thì đã sẵn sàng và hội nhập tốt vào hệ thống tư. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị trước cả về tư tưởng, chính sách để cán bộ, để mọi người thông suốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không phải âu lo cho những tháng ngày trước mắt, không nảy sinh tâm lý bất mãn, tiêu cực, ươm mầm cho bất ổn xã hội…

Người xưa có câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tinh gọn bộ máy chính là đi theo hướng “quý hồ tinh”, nhưng khi “tinh tuý” ở lại, điều quan trọng là phải tạo ra môi trường cho họ thể hiện tài năng, đồng thời cũng phải xây dựng được chế độ đãi ngộ tốt đảm bảo cho họ yên tâm công tác. Được lãnh đạo tin tưởng, tạo điều kiện cho phát huy, không phải lo cơm áo gạo tiền, những “tinh tuý” ở lại nỗ sẽ lực phấn đấu, cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Hậu quả khó lường khi 'đu trend' tin giả

Trong khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy nhà nước, thì nhiều người dùng mạng xã hội vì muốn tăng tương tác, “bắt trend” (xu hướng đang nổi) đã sẵn sàng đăng hoặc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác hoặc thậm chí là tin giả.

Việc gì khó có thanh niên

Việc gì khó có thanh niên

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần IX (nhiệm kỳ 2024 - 2029) diễn ra trong giai đoạn đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, vai trò của thanh niên càng quan trọng khi đây là lực lượng quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Thanh niên của kỷ nguyên mới

Hôm nay, ngày 17-12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ IX khai mạc tại Hà Nội, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của tổ chức hội và phong trào thanh niên cả nước.

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.