Quyết tâm 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả' bộ máy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên thực trạng bộ máy hệ thống chính trị (HTCT) Việt Nam quá cồng kềnh và chồng chéo, nếu không kịp thời tinh gọn sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, “không tinh gọn sẽ không thể phát triển được”. Tổng Bí thư cũng đã có bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết và cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy HTCT.

Không khó để nhận ra, cùng lúc đang có nhiều hệ thống song song tồn tại, gồm: hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Hầu như ở cấp trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương có tổ chức đó, thậm chí kéo dài đến tận ấp, khu phố.

Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức xã hội khác mà Nhà nước phải “đài thọ” trụ sở, kinh phí hoặc một phần kinh phí cũng như lương, phụ cấp như các hội: Người cao tuổi, Khuyến học, Nhà báo, Văn học nghệ thuật, Chữ thập đỏ, cựu Thanh niên xung phong,…

Chỉ với hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay, việc vận hành đã là gánh nặng cho ngân sách. Không chỉ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, ngân sách còn phải chi phụ cấp cho nhiều người hoạt động không chuyên trách. Vì vậy, không khó hình dung khi 70% ngân sách nhà nước đang được dùng chi thường xuyên, chủ yếu là chi lương và hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có nghĩa là, chỉ còn 30% để đầu tư cho phát triển, chi cho quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.

Do vậy, chuyện tinh gọn bộ máy HTCT trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi HTCT hiện nay quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, quá nhiều cơ quan, tổ chức, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Khi biên chế không tinh giản được thì khó bàn đến chuyện tăng lương và càng khó thu hút người tài, giữ chân người giỏi trong bộ máy. Vòng luẩn quẩn ấy cứ thế vẫn lặp lại từ năm này qua năm khác!

Tình trạng tổ chức cồng kềnh, đội ngũ hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách quá đông làm cho việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức nhiều năm qua cũng ì ạch. Không phải tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức lương thấp đều tiêu cực, nhưng không thể loại trừ đây là một trong những nguyên nhân chính “đẻ” ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hoạch họe, sách nhiễu người dân trong khi thi hành công vụ. Biểu hiện rõ là, những ca thán về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong nhân dân không phải là ít, nhưng có rất ít trường hợp không làm được việc bị đào thải.

Để có HTCT tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả HTCT. Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Hy vọng sau “phát súng lệnh” này của người đứng đầu Chính phủ, cả HTCT sẽ chuyển mình, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy đúng như tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.

Một bộ máy hiệu lực, hiệu quả không nhất thiết trung ương có cơ quan nào thì ở cấp tỉnh, cấp huyện phải có cơ quan đó. Cần quyết liệt cắt giảm, thậm chí cắt bỏ các cơ quan, đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Câu chuyện nhất thể hóa các chức danh của Đảng, Nhà nước đã đến lúc chín muồi cần triển khai mạnh mẽ. Các tổ chức chính trị - xã hội cần được tổ chức tinh gọn, thu gọn đầu mối để thực hiện hiệu quả đề án tinh giản biên chế, hoàn thiện vị trí việc làm. Cùng với sắp xếp, kiện toàn bộ máy là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; sử dụng đúng người, đúng việc.

Quá trình thực hiện cũng cần có cơ chế đánh giá tổng thể, khách quan về năng lực, chất lượng công chức, viên chức làm tiền đề cho việc xác định số lượng cần tinh giản, nhằm tránh tình trạng cào bằng và lợi dụng tinh giản biên chế để sa thải những người không cùng “phe cánh”.

Theo TS VŨ TRUNG KIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.