Tinh gọn bộ máy: Cuộc cách mạng từ những việc cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, đang kìm hãm sự phát triển đất nước; Không tinh gọn sẽ không thể phát triển được. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại Quốc hội hôm 1-10 vừa qua.

Những điều được Tổng Bí thư nêu ra đã là "thực tiễn" tồn tại từ lâu. Chính Tổng Bí thư cũng khẳng định từ mấy nhiệm kỳ nay rồi, nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết T.Ư Đảng đều nhận định bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả và yêu cầu phải sắp xếp cho tinh gọn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa làm được bao nhiêu.

Bất chấp những nỗ lực tinh giản biên chế, 70% ngân sách nhà nước hiện vẫn dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ hoạt động của bộ máy. Nghĩa là phần đầu tư cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội chỉ 30%. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói một cách thẳng thắn và cũng rất thấm thía: "Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì tiền còn đâu nữa".

Sự cồng kềnh của bộ máy không chỉ ở biên chế "cứ phình mãi ra". Bộ, ngành cơ quan nhiều nhưng không rõ chức năng, nhiệm vụ, thậm chí còn chồng chéo. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng dẫn chứng chỉ một việc cát, đá, sỏi lòng sông nhưng 5 - 6 bộ ngành đều nói có phần của mình, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì không biết ai cả.

Người đứng đầu Đảng có lẽ đã rất sốt ruột khi thốt lên: "Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được? Không thể chịu được những cái cồng kềnh như thế". Tổng Bí thư cho rằng đây là vấn đề "rất lớn" mà T.Ư tới đây phải bàn, phải giải quyết.

Nhưng để tinh gọn bộ máy phải bắt đầu từ đâu khi đụng tới đâu cũng là những vấn đề đầy "tâm tư" và hết sức nhạy cảm?

Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn một câu chuyện mà ông nói "rất bức xúc". Đó là việc chỉ một tờ giấy khai sinh nhưng 5 - 6 cơ quan tham gia, vòng đi vòng lại từ y tế, tư pháp, công an, khiến người dân cả tuần, thậm chí 10 ngày mới làm xong, khiến người dân chán nản bỏ cuộc. "Tại sao không làm các thủ tục ngay ở trạm y tế đó để khi người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ? Như thế người dân có sướng không?".

Theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế như câu chuyện của tờ giấy khai sinh. Ông nói trước đây, chúng ta nói đến một cửa cũng hay rồi, nhưng một cửa thì vẫn là thủ tục, vẫn lằng nhằng; phải cải cách để "không còn cửa nào cả".

Quan trọng hơn, theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn bộ máy, phải bắt đầu từ tư duy. Ông nhấn mạnh phải coi đây là "một cuộc cách mạng" mà cả hệ thống từ T.Ư đến cơ sở, từng chi bộ, đảng viên phải làm, trong đó, T.Ư, Quốc hội, Chính phủ sẽ phải gương mẫu.

"Tất cả mọi người đều phải tham gia vào công cuộc này. Với tinh thần phục vụ nhân dân, có việc của dân là phải làm", Tổng Bí thư khẳng định. Có như vậy, một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mới có thể từ nghị quyết đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thực chất, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Lê Hiệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Bước then chốt về sáp nhập

Bước then chốt về sáp nhập

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sau giai đoạn tăng tốc vừa qua, hiện đứng trước bước quyết định: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.