Trách nhiệm, bài bản khi tái khởi động dự án điện hạt nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hạ tầng, tài chính, nhân lực, các yếu tố an toàn hạt nhân và vấn đề pháp lý... là những nhiệm vụ cần được Việt Nam xúc tiến đồng thời và nhanh chóng, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau nhiều năm tạm dừng.

Quyết nghị này đã được đưa ra sau nhiều cân nhắc thận trọng, trên nền tảng những phân tích triệt để, toàn diện về lợi ích của điện hạt nhân, cũng như giải pháp cho các vấn đề liên quan.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11/2024, Quốc hội Nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11/2024, Quốc hội Nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Nhiệm vụ trước mắt của các bộ, ban, ngành, địa phương là nhanh chóng, bài bản tái khởi động các chiến lược về điện hạt nhân trước đó, tiếp thu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và tận dụng nền tảng khoa học công nghệ hiện nay, tuân thủ hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), để đảm bảo cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính và các cơ chế an toàn hạt nhân phục vụ tái khởi động dự án này.

Để chương trình điện hạt nhân được tiếp tục, điều đầu tiên là các yếu tố pháp lý. Việt Nam đã có Luật Năng lượng Nguyên tử (2008) và một số văn bản pháp quy về triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt là nội dung về điện hạt nhân cần được ghi nhận trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới. Bộ Công thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát tổng thể các nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường. Bộ cũng cần rà soát các vướng mắc pháp lý trong các dự án điện, để đề xuất, tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật. Bản thân Luật Năng lượng nguyên tử cũng cần được giải quyết một số điểm nghẽn về quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; về chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân; về Ban quản lý dự án điện hạt nhân, nhà thầu xây lắp... Các quy định pháp lý là cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, cho trước mắt và lâu dài.

Công trình xây dựng Dự án điện hạt nhân Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 22/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Công trình xây dựng Dự án điện hạt nhân Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 22/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một trong các nhiệm vụ cần sớm triển khai, là thành lập bộ phận nhân sự trực thuộc Chính phủ về điện hạt nhân. Đây cũng là kinh nghiệm từ các quốc gia dẫn đầu về điện hạt nhân như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada... trong đó, có quốc gia châu Á là Hàn Quốc. Cách đây gần 60 năm, quốc gia này đã ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và thành lập Ban Năng lượng nguyên tử. Đến nay, sở hữu 27 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất điện hạt nhân khoảng 31,65 gigawatt (GW), Hàn Quốc đã đầu tư để năng lượng hạt nhân trở thành một thành phần thiết yếu của nền kinh tế, và giá điện hạt nhân thấp hơn khoảng 3 lần so với năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, bộ phận nhân sự phát triển điện hạt nhân cần đảm bảo quy tụ được các chuyên gia hàng đầu, đa lĩnh vực, từ luật pháp tới các chính sách thương mại, kỹ thuật, công nghệ, môi trường..., để tham mưu, điều hành và đôn đốc thực hiện dự án một cách hiệu quả.

Về hạ tầng xây dựng, hiện tại nước ta đã xác định 2 địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, theo IAEA, có tới 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được đảm bảo. Bên cạnh đó, có tới 20 yêu cầu về hạ tầng với an ninh hạt nhân. Trong đó, phải kể tới: Chính sách và chiến lược quốc gia; Chế độ an toàn hạt nhân toàn cầu; Khuôn khổ luật pháp; Các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài; Bảo vệ bức xạ; An toàn trong quản lý và điều kiện hóa chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân… Như vậy, nhiệm vụ còn rất bề bộn, đòi hỏi đầu tư cả về công sức, trí tuệ và tài chính.

Vùng đất dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải). Ảnh: Công Thử/TTXVN
Vùng đất dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải). Ảnh: Công Thử/TTXVN

Vấn đề an ninh của điện hạt nhân là yêu cầu hàng đầu và là nội dung được nhiều người dân quan tâm. Các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác. Công nghệ hiện đại cũng đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân khó xảy ra sự cố. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cũng đã xây dựng đội ngũ nghiên cứu về công nghệ và lựa chọn các lò đảm bảo an toàn. Việt Nam cũng đã gia nhập các công ước quốc tế để đảm bảo đáp ứng tốt về an toàn hạt nhân. Những động thái này thể hiện trách nhiệm cao của Đảng và nhà nước ta trong an toàn, an ninh hạt nhân, không chỉ với đất nước và nhân dân Việt Nam, mà còn với cả các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh: NTCC

Lần đầu triển khai lĩnh vực mới, hệ trọng, nên đội ngũ thực thi là một yêu cầu tiên quyết. Từ nhiều năm trước, hàng trăm cán bộ đã được gửi đi đào tạo tại Liên Xô (cũ), Nga, Nhật Bản và các nước khác theo Đề án 1558. Trong nước, chương trình đào tạo ngành hạt nhân được bắt đầu từ năm 2010. Đến nay, khi chính thức bước vào phát triển điện hạt nhân, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề đội ngũ nhân lực. Do vậy, các chương trình đào tạo cần được ngành Giáo dục đẩy mạnh hơn nữa, có chiến lược rõ ràng và tham mưu các chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Như vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực. Do điện hạt nhân là lĩnh vực đa ngành, nên việc phát triển điện hạt nhân cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam phát triển các công nghệ kỹ thuật nền tảng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đầu tư điện hạt nhân cần nguồn lực tài chính mạnh. Các dự án điện hạt nhân về cơ bản thường đi kèm những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc cân đối ngân sách cho mục tiêu lâu dài bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Kinh nghiệm của một số quốc gia là có sự phối hợp giữa chương trình điện hạt nhân và chương trình mục tiêu phát triển quốc gia, tạo nguồn lực tài chính ổn định cho điện hạt nhân.

Tháp tỏa nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Isar 2. Ảnh: Getty Images
Tháp tỏa nhiệt của nhà máy điện hạt nhân Isar 2. Ảnh: Getty Images

Với quá trình nghiên cứu, chuẩn bị lâu dài, thận trọng, cộng với những hợp tác hiệu quả của các đối tác, các cường quốc hạt nhân, của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, có thể nói, đến nay, thời điểm triển khai điện hạt nhân tại Việt Nam đã chín muồi. Cùng với các cam kết tầm vĩ mô về phát triển điện hạt nhân vì mục đích hoà bình, với sự đầu tư liên tục cả về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nhân lực, cùng sự chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân…, tin tưởng rằng dự án điện hạt nhân của Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, chắp cánh cho kinh tế- xã hội của đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Thùy Hương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn. 

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Chứng khoán lạnh và nóng

Chứng khoán lạnh và nóng

Lên cao vút, xuống mất hút; lúc lên thì không ai bán, lúc xuống lại chẳng ai mua... là tình trạng thị trường chứng khoán trong nước mấy phiên vừa qua. Chuyện này cũng chẳng có gì mới nhưng chỉ lúc xong rồi, rất nhiều người mới nhận ra mình đã phản ứng "quá nóng" ở thời điểm cần có một cái đầu lạnh.

Bụt nhà không thiêng?

Bụt nhà không thiêng?

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong quý 1 năm nay, có hơn 6.000 vị trí công việc với mức lương trên 50 triệu đồng/tháng được các doanh nghiệp (DN) đăng tuyển cho người lao động (NLĐ) VN, theo quy định tại Nghị định 70/2023 của Chính phủ.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Giảm tải cho học sinh

Giảm tải cho học sinh

Không phải ngẫu nhiên mà phát ngôn mới đây của lãnh đạo vụ chức năng thuộc Bộ GD-ĐT về việc 'bắt buộc' dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT lại làm dậy sóng dư luận đến vậy.