Suốt cả tháng qua, khi tiền số lên cơn sốt, các cuộc gọi mời chào đầu tư tiền số, đầu tư chứng khoán Mỹ... lại rộ. Trong bối cảnh chứng khoán nói riêng và các kênh đầu tư trong nước nói chung ảm đạm kéo dài, các sàn chui bung ra mạnh mẽ. Không có con số thống kê cụ thể về dòng vốn đổ vào đây, nhưng sự hồ hởi, theo dõi cập nhật liên tục thì rất rõ. Dù vậy, con số khoảng 120 tỉ USD tiền mã hóa được đổ vào VN hằng năm vẫn gây bất ngờ cho không ít người. Bởi đến thời điểm này, tiền số chưa được thừa nhận cũng như chưa có quy định pháp lý liên quan đến hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền số, tài sản ảo… ở VN. Chỉ là các nhóm đầu tư, sàn giao dịch tiền số vẫn hoạt động nhộn nhịp. Một thị trường ngầm mà quy mô lên cả trăm tỉ USD, thật sự quá kinh khủng. Đặt trường hợp chúng ta có hành lang pháp lý đầy đủ, thì số thuế thu được từ thị trường này là rất lớn. Nhìn từ góc độ đó mới thấy việc không cấm nhưng không quản tiền số, tài sản số càng kéo dài càng gây lãng phí.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn là những rủi ro, hệ lụy len lỏi trong đời sống người dân từ thị trường tiền số nửa chui, nửa công khai này. Những câu chuyện thua lỗ, nợ nần, sạt nghiệp, thậm chí ly tán gia đình vì đầu tư tiền ảo, sàn chui rất nhiều. Cũng phải nói rõ là thua lỗ vì các đồng tiền ảo nổi tiếng như bitcoin, ETH... do giá lên/xuống có lẽ không nhiều mà sạt nghiệp vì các sàn lừa đảo, đa cấp, những đồng tiền ảo nở ra như nấm sau mưa rồi "biến mất không sủi tăm" là chính. Việc này cũng bắt nguồn từ chúng ta "không quản", nên kẻ xấu tận dụng tối đa lúc tranh sáng, tranh tối để dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin nhưng thiếu hiểu biết. Và cũng vì chúng ta không thừa nhận, nên rất nhiều người thua lỗ cũng chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận, không thể và cũng không biết kêu ai...
Nhìn vào bức tranh của thị trường tiền số, tài sản số ở VN hiện nay thì rõ ràng đã đến lúc phải chuyển sang quản lý và đưa thị trường ngầm này lên thành "chính ngạch". Phải có các quy định làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, qua đó tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Phải có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này để khai thác, nhất là trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Đây cũng là xu hướng tất yếu mà các nước trên thế giới đã và đang thực hiện.
Xin được nhắc lại câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án luật Công nghiệp công nghệ số mới đây để thấy rõ nghịch lý lãng phí và bất cập của thị trường này: "Tiền bitcoin (tiền số) giá trị trên thế giới hiện gần 3.000 tỉ USD và trên thực tế nước ta vẫn có giao dịch bitcoin nhưng tại sao không đưa vào quản lý?".
Công khai hóa thị trường tiền số, tài sản số trị giá hàng trăm tỉ USD; chuyển từ không cấm, không quản sang quản lý và phát triển là việc làm cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh kinh tế VN bước vào kỷ nguyên của kinh tế số.
Theo Nguyên Khanh (TNO)