Trong những tháng ngày phòng chống dịch Covid-19, người lao động là một trong những đối tượng được cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo về đời sống để trụ lại trong khó khăn.
Đến khi trở lại cuộc sống "bình thường mới" thì người lao động là đối tượng được tập trung quan tâm về việc làm, bởi Đảng và nhà nước luôn xác định đội ngũ lao động là nguồn lực quan trọng để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 2 năm qua, nhất là sau các đợt dịch trong năm 2021, hệ thống BHXH cùng các ban ngành, đoàn thể cả nước tích cực hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhìn lại càng thấy tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội của hoạt động an sinh, thêm niềm tin vào chính sách BHXH của nhà nước.
Đến hết năm 2020, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 90.600 tỉ đồng. Sau khi thực hiện gói hỗ trợ 38.000 tỉ đồng, kết dư Quỹ BHTN vẫn còn khoảng 56.000 tỉ đồng, gấp 2 lần tổng mức chi của năm trước liền kề. Đây là mức kết dư tốt, bảo đảm an toàn. Điều quan trọng với chính sách này là phải kéo giảm tình trạng người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần.
Nếu nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Nhận BHXH một lần cũng đồng nghĩa người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để bảo đảm cho cuộc sống khi về già.
Dĩ nhiên có nguyên nhân tác động để người lao động chọn nhận trợ cấp BHXH một lần, như hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh... Để khắc phục, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, cần chăm lo tốt hơn đời sống người lao động.
Chỉ khi cuộc sống được bảo đảm thì người lao động sẽ không còn nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Thứ hai, cần truyền thông, nâng cao nhận thức để người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của chính sách BHXH. Việc truyền thông cần hướng tới mục đích tạo dựng được một văn hóa an sinh xã hội, tự nguyện tham gia BHXH mới là thành công.
Điều quan trọng không kém là phải sửa đổi Luật BHXH. Trong nội dung hồ sơ và phấn đấu đến năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH có nội dung tăng cường các lợi ích khi người lao động không hưởng BHXH một lần. Đây là cách nhiều nước đang thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, bởi người lao động nhìn thấy được quyền lợi trước mắt và lâu dài, không phải chờ đợi thời gian quá lâu mới được thụ hưởng và các bài toán về quyền lợi không đem lại những đáp số tối ưu cho họ.
Trong tầm nhìn chiến lược, phải xét thấu đáo tính bền vững, bảo toàn cho hệ thống an sinh xã hội cực kỳ quan trọng của quốc gia, rút kinh nghiệm từ những bài học đau xót về sử dụng quỹ sai nguyên tắc qua việc cho ALC II vay vốn, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Từ bài học đó, quản lý quỹ được thắt chặt, giữ vững nguyên tắc để sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Hệ thống BHXH đang đảm nhận vai trò trụ đỡ an sinh quốc gia với các khoản chi cực lớn (chẳng hạn chỉ chi cho người nghỉ hưu mỗi năm đã hơn 200.000 tỉ đồng). Do đó, phải bảo toàn và phát triển bền vững Quỹ BHXH là một nhiệm vụ hàng đầu.
Theo HOÀNG HOA (NLĐO)