Ám ảnh thi cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu tháng Sáu, hơn 103.000 học sinh Hà Nội cùng hàng vạn em tại TP.HCM và cả nước bước vào kỳ thi vào lớp 10 công lập – một kỳ thi tưởng như chỉ là “chuyển cấp” nhưng lại đang là cuộc đua khốc liệt bậc nhất trong lộ trình học tập của một đứa trẻ.

thi-truot.jpg

Với gần 4.500 phòng thi, hơn 16.000 cán bộ coi thi, 2.000 cán bộ chấm thi và gần 600 cán bộ thanh tra chỉ riêng Hà Nội, kỳ thi này phản ánh rõ sự căng thẳng, cồng kềnh và áp lực của hệ thống giáo dục hiện hành.

Năm nay, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh lần đầu học sinh lớp 9 bước vào kỳ tuyển sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 – chương trình được kỳ vọng đổi mới căn bản về nội dung, phương pháp và tư duy giáo dục. Tuy nhiên, khi cải cách chưa đi vào chiều sâu, còn thiếu sự đồng bộ, thì học sinh trở thành đối tượng phải “gánh” những lỗ hổng của chuyển đổi. Giáo viên thì loay hoay với cách dạy mới chưa kịp nhuần nhuyễn, học sinh thì chưa kịp thích nghi đã phải bước vào một kỳ thi mang tính định đoạt tương lai.

Chưa kể, kỳ thi lớp 10 vốn dĩ từ lâu đã không đơn giản. Tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ khoảng 60–65% học sinh có cơ hội vào trường công lập, phần còn lại buộc phải rẽ lối: trường tư, giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề. Mỗi gia đình đều hiểu rằng cánh cửa lớp 10 công lập không chỉ là học vấn mà còn là danh dự, là điểm tựa tâm lý. Do đó, cuộc thi này trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh, thầy cô.

Vấn đề công bằng giáo dục cũng tiếp tục là nỗi lo dai dẳng. Khi đề thi chung nhưng điều kiện học tập khác biệt, thì sự “công bằng” là điều còn xa vời. Học sinh ở thành phố, được học thêm, luyện thi, có điều kiện tiếp cận công nghệ và giáo viên chất lượng cao – tất yếu có lợi thế hơn so với những em ở vùng ven, ngoại thành. Trong một hệ thống mà thi cử vẫn là thước đo duy nhất để sàng lọc, phân luồng, thì mỗi lần cải cách nửa vời lại là một lần học sinh trở thành người chịu thiệt.

Vượt qua kỳ thi vào lớp 10, các em lại tiếp tục chạy đua suốt ba năm trung học phổ thông để thi đại học. Nhưng rồi sau 12 năm đèn sách, 4–5 năm giảng đường, nhiều người ngậm ngùi nhận ra tấm bằng đại học không bảo đảm được việc làm. Cử nhân chạy xe công nghệ, thất nghiệp tăng cao, trong khi nền kinh tế vẫn “khát” lao động kỹ thuật lành nghề. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hệ thống phân luồng và hướng nghiệp dù được nói đến nhiều, nhưng vẫn thiếu hấp dẫn và thực chất để tạo niềm tin và lựa chọn vững chắc cho học sinh ngay từ sau THCS.

Kỳ thi lớp 10 vì thế không chỉ là bài kiểm tra kiến thức, mà là chỉ dấu cho cả một hệ thống giáo dục đang cần thay đổi từ gốc rễ. Cần một chiến lược phân luồng đúng đắn, hiệu quả, lấy học sinh làm trung tâm và đảm bảo tương lai nghề nghiệp thực chất – thay vì đẩy tất cả vào cùng một “cửa hẹp” rồi để mặc những phận người loay hoay giữa tấm bằng và cuộc sống.

Một nền giáo dục tiên tiến không phải là nền giáo dục nhiều kỳ thi, mà là nền giáo dục giúp mỗi đứa trẻ nhận ra giá trị bản thân, được phát triển theo khả năng riêng, và không bị bỏ lại phía sau chỉ vì một kỳ thi.

Theo Nguyễn Tuấn (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Vì một nền thương mại sạch

Vì một nền thương mại sạch

Lực lượng chức năng triệt phá các đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả với quy mô lớn; hàng loạt vụ vứt bỏ hàng hóa nghi hàng gian, hàng giả; nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội sa lưới luật pháp vì trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng…

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

(GLO)-Đó là câu hỏi mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại buổi làm việc với Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương vào sáng 23-6 khi có một bộ phận cán bộ băn khoăn, day dứt vì thực hiện sắp xếp các tổ chức Mặt trận, đoàn thể nói riêng và sắp xếp, sáp nhập bộ máy hệ thống chính trị nói chung.

Học kỹ, thi thật!

Học kỹ, thi thật!

Việc chuyển giao toàn bộ quy trình sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, cụ thể là giao cho lực lượng CSGT đảm nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông tại VN.

null