
Không chỉ cán bộ, đảng viên, hội nghị đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân tham gia học tập, tìm hiểu. Bởi đây là lần đầu tiên họ được ghi nhận chính thức vào văn kiện của Đảng là một thành phần kinh tế đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Đất nước đang chuyển mình, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới và Đại hội lần thứ XIV của Đảng sẽ đảm nhận sứ mệnh dẫn dắt, bằng kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 1 năm tiến hành cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Hệ thống chính trị sẽ nhẹ hơn, nhân sự sẽ tinh hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của thời đại số.
Để làm được điều đó thì những vướng mắc, rào cản của cơ chế cần phải nhanh chóng và kiên quyết loại bỏ. Điểm nghẽn cơ chế được xác định là “nghẽn của nghẽn”, là điểm nghẽn cốt tử cần phải tháo gỡ đầu tiên để mở đường cho các chủ trương, kế sách phát triển khác có cơ hội được triển khai vào cuộc sống.
Trong vòng mấy tháng, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng, mà nói như Tổng Bí thư Tô Lâm là “bộ tứ trụ cột” giúp đất nước cất cánh. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Nói “đặc biệt” là bởi vấn đề được nhìn thấy, được sàng lọc qua thực tiễn cuộc sống khá lâu nhưng phải đến thời điểm này, chúng ta mới chính thức có một nghị quyết ở tầm cao nhất của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, mới chính thức xem kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, là bước đột phá với tầm nhìn bao trùm; xóa bỏ triệt để nhận thức, quan điểm, thái độ, định kiến về kinh tế tư nhân; là cuộc cách mạng toàn diện về tư duy giải phóng lực lượng sản xuất.
Trụ cột đã có, ngôi nhà tương lai của một đất nước phát triển mang tầm nhìn trăm năm đang được xốc lại tinh thần, được củng cố trên nền tảng của các thành tựu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các nghị quyết đã tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế của đất nước, “cởi bỏ” những rào cản của thể chế, mở những đường băng đủ rộng, đủ dài cho con tàu cất cánh. Quyết tâm ấy của Đảng đã và sẽ huy động được sự chung sức, đồng lòng của toàn dân.
Tuy nhiên, nghị quyết của Đảng chỉ có giá trị khi được tổ chức triển khai quyết liệt, sâu sát, với sự giám sát hiệu quả và đánh giá định kỳ. Khát vọng phát triển của dân tộc phải được hiện thực hóa bằng cải cách thể chế, bằng những hành động cụ thể.
Những rào cản về pháp luật, những điểm nghẽn về thể chế sẽ được Quốc hội, Chính phủ tập trung tháo gỡ. Những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp nấp dưới vỏ bọc thanh tra, kiểm tra sẽ bị xử lý nghiêm khắc để kinh tế tư nhân không còn bị phân biệt đối xử, qua đó phát huy hết tiềm lực cùng đưa nền kinh tế đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Từ hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế, phí… đến hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực; hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn và vừa, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; những chương trình cụ thể như: đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030; ban hành chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hoàn thành ngay trong năm nay đã được Chính phủ lên kế hoạch triển khai, với quyết tâm biến “bốn trụ cột” về thể chế thực sự là đòn bẩy cho nền kinh tế đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.