'Cởi trói' cho nhà ở xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với một loạt cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua và nhiều thủ tục được cắt giảm, những vòng trói khiến nhà ở xã hội ì ạch bao lâu nay đã được tháo cởi.

Nhà ở xã hội là phân khúc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển để người lao động nghèo, người có thu nhập thấp có thể yên tâm sinh sống và làm việc. Thế nhưng suốt bao năm qua, phân khúc này chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, càng không thể đáp ứng mong mỏi của người dân bởi số lượng dự án ít ỏi, cung không đủ cầu. Nguyên nhân, lý do thì nhiều nhưng tựu trung là chúng ta ưu tiên phát triển nhưng lại chưa đủ ưu tiên tín dụng, ưu tiên cơ chế, ưu tiên thủ tục. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phản ánh thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) thậm chí còn mất thời gian hơn cả nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận lại thấp hơn. Vì thế, nghịch lý ưu tiên nhưng khó phát triển cứ mãi tồn tại.

Giờ đây, với việc Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH mới được thông qua, những nghịch lý nói trên đã trở thành "chuyện của quá khứ". NOXH chính thức bước sang "cao tốc" thông thoáng. Đơn cử như giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án NOXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt, cắt giảm được khoảng 200 ngày thủ tục, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành... và nhiều các quy định rườm rà, trói buộc khác.

Nếu các quy định thông thoáng nói trên được triển khai nhanh trong thực tế thì chắc chắn số lượng doanh nghiệp tham gia phân khúc này sẽ tăng mạnh. Đây là nhận định hoàn toàn có cơ sở chứ không phải dự báo. Chúng ta hẳn còn nhớ vài năm trước khi Thủ tướng Chính phủ phát động, triển khai chương trình 1 triệu căn NOXH, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã cam kết xây hàng trăm ngàn căn để hưởng ứng. Thế nhưng sau đó, vì vướng nhiều thủ tục, một số chưa thực hiện. Những doanh nghiệp đó vẫn luôn tâm huyết muốn chung tay, dốc sức cùng Chính phủ thực hiện chương trình này. Họ chỉ cần cơ chế và giờ cơ chế đã được duyệt.

Từ câu chuyện của NOXH nhìn sang các lĩnh vực khác cũng tương tự. Chúng ta muốn phát triển cái gì, muốn thu hút vốn vào đâu, muốn đẩy mạnh chỗ nào... thì phải có ưu đãi, ưu tiên chỗ đó. Cũng như khi cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta ưu đãi thuế, phí, thủ tục... Sau này muốn đẩy mạnh các dự án công nghệ, thì tập trung ưu đãi vốn cho công nghệ. Muốn thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh thì mở "cao tốc" cho khối này... Càng lĩnh vực lợi nhuận thấp càng cần ưu đãi lớn, ưu tiên nhiều từ cơ chế, chính sách, thủ tục thì việc mới chạy.

Trở lại với Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả đối tượng mua NOXH cũng được cởi trói, hợp lý hơn so với quy định hiện hành. Vì thế phân khúc này chắc chắn sẽ sôi động trong thời gian tới. Từ đó lan tỏa đến các phân khúc khác, lan tỏa đến sản xuất, tiêu dùng trong xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao của năm nay cũng như các năm tới.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vì một nền thương mại sạch

Vì một nền thương mại sạch

Lực lượng chức năng triệt phá các đường dây buôn lậu, kinh doanh hàng gian hàng giả với quy mô lớn; hàng loạt vụ vứt bỏ hàng hóa nghi hàng gian, hàng giả; nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội sa lưới luật pháp vì trốn thuế, kinh doanh hàng kém chất lượng…

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

(GLO)-Đó là câu hỏi mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại buổi làm việc với Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương vào sáng 23-6 khi có một bộ phận cán bộ băn khoăn, day dứt vì thực hiện sắp xếp các tổ chức Mặt trận, đoàn thể nói riêng và sắp xếp, sáp nhập bộ máy hệ thống chính trị nói chung.

Học kỹ, thi thật!

Học kỹ, thi thật!

Việc chuyển giao toàn bộ quy trình sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, cụ thể là giao cho lực lượng CSGT đảm nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông tại VN.

null