Thùy Tiên bước ra khỏi cuộc thi Miss Grand để đến với các chiến dịch thiện nguyện, từng tự tin khẳng định giá trị của phụ nữ hiện đại. Quang Linh cũng từng đưa màu áo cùng hình ảnh một người trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết, nhân văn đến với châu Phi.

Tiếc là, hành trình đẹp của họ không dài. Nó đã khép lại với việc gian lận trong sản xuất kinh doanh, mà điều đáng nói ở đây chính là lợi dụng sự ảnh hưởng của bản thân để lừa dối người tiêu dùng.
Khi Hằng Du Mục và Quang Linh bị bắt, nhiều nghi vấn cũng đã đặt ra cho hoa hậu Thùy Tiên bởi cô cùng chung ekip quảng bá sản phẩm kẹo Kera. Những tưởng rằng hoa hậu này chỉ đảm nhận 1 vai trò rất nhỏ là KOL và đây cũng là điều mà người hâm mộ cả nước mong chờ.
Thế nhưng đêm qua (19-5), cộng đồng mạng đã “dậy sóng” khi các phương tiện thông tin đại chúng cùng lúc đưa tin hoa hậu Thùy Tiên bị bắt với cáo buộc tham gia 30% cổ phần và phần lợi nhuận được nhận về là 7 tỷ đồng; chưa kể Thùy Tiên còn biết rõ thành phần chất xơ trong sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Nhiều người cho rằng, nếu khôn ngoan, Thùy Tiên đã kiên quyết góp ý hoặc không tham gia khi biết sản phẩm không đúng thành phần. Thế nhưng, có lẽ sức mạnh của đồng tiền đã lấn át lý trí của cô-một hoa hậu được đánh giá là thông minh, nhạy bén. Có thể nói, đây chính là sự phản bội lớn nhất với những người từng xem Thùy Tiên là biểu tượng của trí tuệ, lòng nhân hậu.

Vụ án “kẹo Kera” giờ đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả người nổi tiếng đang ngày càng dễ dãi với hai chữ “trách nhiệm”. Danh tiếng không chỉ là công cụ kiếm tiền mà còn là tài sản xã hội đi kèm bổn phận đạo đức. Mỗi lời họ nói ra, mỗi sản phẩm họ giới thiệu, mỗi chiến dịch họ gắn tên… đều có thể ảnh hưởng đến hàng vạn người đang dõi theo và tin tưởng họ từng ngày.
Đã đến lúc những người nổi tiếng cần phải hiểu rằng, họ không chỉ đang bán hình ảnh mà còn bán đi niềm tin. Trong khi đó, bán hình ảnh là quyền nhưng bán niềm tin là tội.
Và niềm tin, một khi bị phản bội, thì cái giá phải trả là rất “đắt”, bao gồm cả sự nghiệp lẫn tự do.