Thêm cơ hội cho bệnh nhân ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai việc tầm soát ung thư với độ chính xác cao. Cùng với các kỹ thuật y tế ngày càng hiện đại, tầm soát để phát hiện sớm ung thư là cơ hội để nhiều người có thể chữa khỏi bệnh và giảm đáng kể chi phí đi lại nhờ không còn phải tìm đến các bệnh viện tuyến Trung ương.

Nâng cao chất lượng tầm soát ung thư

Với thế mạnh là tầm soát phát hiện sớm 2 loại ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú và ung thư cổ tử cung (CTC), mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai tiến hành tầm soát cho hàng ngàn trường hợp. Bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai), cho biết: “Nhu cầu tầm soát ung thư của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là tầm soát ung thư vú và CTC ở nữ giới. Chưa có thống kê hàng năm, song mỗi ngày, bình quân bệnh viện tiến hành tầm soát ung thư CTC cho khoảng 15-20 trường hợp, ung thư vú 5-7 trường hợp. Đây là 2 loại ung thư nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn, giảm đáng kể chi phí điều trị so với phát hiện muộn, khi bệnh đã đi vào giai đoạn nặng”.

 

Tầm soát ung thư là cách tốt nhất để chẩn đoán ung thư sớm (ảnh minh họa).
Tầm soát ung thư là cách tốt nhất để chẩn đoán ung thư sớm (ảnh minh họa).

Bác sĩ Minh cho biết thêm, không chỉ ở Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai  mà trước đây, khi công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông đã cùng các đồng nghiệp phối hợp với Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em tỉnh xuống các địa phương trong tỉnh khám sàng lọc ung thư CTC cho nhiều phụ nữ. Có nhiều biện pháp sàng lọc ung thư CTC dễ thực hiện với độ chính xác cao gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, có 2 biện pháp thông dụng nhất, có thể tiến hành sàng lọc rộng khắp là test acid acetic và phương pháp quan sát lugol. “Chương trình sàng lọc ung thư CTC có ý nghĩa với cộng đồng nếu được thực hiện đại trà với độ phủ rộng 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Không phải thực hiện biện pháp tốn kém nhất, đắt nhất mới có giá trị và hiệu quả cao, mà có thể thực hiện những biện pháp đơn giản, đại trà, ít tốn nhân lực, ít tốn chi phí cho bệnh nhân lẫn cơ quan nhà nước nhưng cho kết quả chính xác. Đó mới là biện pháp có giá trị và có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”-bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Nói như vậy để thấy, khi phụ nữ có nhu cầu tầm soát ung thư CTC, ung thư vú có thể hoàn toàn an tâm thực hiện ngay tại tỉnh.  “Có nhiều biện pháp tầm soát, song hiện nay có 4 phương pháp sàng lọc ung thư có thể thực hiện tại bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt là tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai với độ chính xác cao, gần như không có sai biệt so với bệnh viện trung ương. Về phương tiện và nhân lực, chúng tôi có sự hỗ trợ của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nên chất lượng các xét nghiệm này tương đương ở bệnh viện lớn. Về giá cả, các sàng lọc này có mức giá tương đương với các trung tâm y học lớn, không tốn kém nhiều. Chẳng hạn, thực hiện 2 xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm tế bào âm đạo và soi CTC chỉ tốn 380-400 ngàn đồng”-bác sĩ Minh thông tin.

Ngoài tầm soát phát hiện sớm 2 loại ung thư trên, tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai còn thực hiện tầm soát các ung thư gan, phổi, tuyến tiền liệt… Đây là những thông tin hữu ích cho những người dân khó khăn có nhu cầu tầm soát ung thư mà không cần phải tới các trung tâm y tế lớn ngoài tỉnh.

Tin vui cho bệnh nhân ung bướu

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Dương Thị Hoài Thanh-Phó Trưởng khoa Ung bướu, cho biết: “Tầm soát các loại ung thư đã được bệnh viện triển khai từ rất lâu với kết quả tương đối chính xác. Các chỉ số tiền ung thư cao khi gửi đi các bệnh viện lớn kiểm tra lại độ chính xác lên đến 99%. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai các dịch vụ y tế kỹ thuật cao trong tầm soát ung thư như làm các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, chụp nhũ ảnh, MRI, CT sọ não… nhằm phát hiện sớm các loại ung thư, giúp bệnh nhân có hướng điều trị sớm, có cơ hội chữa khỏi bệnh, hoặc kéo dài tuổi thọ, giảm chi phí điều trị rất lớn. Đối với các trường hợp phát hiện ung thư, chúng tôi sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc người bệnh, cần đi tới bệnh viện nào… Gia đình và bệnh nhân sẽ có hướng điều trị sớm mà không phải đi lòng vòng, tránh tâm lý hoang mang”.

 

Bác sĩ Dương Thị Hoài Thanh-Phó Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh):  “Trước đây, nói tới ung thư giống như nói tới thần chết. Nhưng y học hiện đại với những kỹ thuật mới, tiên tiến đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân ung bướu. Với việc thành lập Khoa Ung bướu, cùng sự nỗ lực của đội ngũ y-bác sĩ, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần tích cực vào chiến lược phòng-chống ung thư của ngành Y tế Việt Nam”.

Một tin vui cho bệnh nhân ung bướu là trung tuần tháng 10 này, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, không chỉ tầm soát ung thư tại chỗ, mà những trường hợp phát hiện ung thư sớm sẽ có cơ hội điều trị ngay tại Gia Lai với những tiến bộ y học và kỹ thuật điều trị mới. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân khó khăn khi giảm đáng kể chi phí đi lại. Để tối đa hóa hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư, trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) triển khai dự án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Ung bướu (giai đoạn 2016-2020). Như vậy, trong giai đoạn đầu hoạt động, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của bệnh viện tuyến trung ương về kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. “Không chỉ có các bác sĩ đầu ngành về ung bướu thường xuyên vào đây trực tiếp hướng dẫn, mà bệnh viện đã cử nhiều bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp ra Bệnh viện Bạch Mai học tập, tiếp nhận các kỹ thuật điều trị mới, chăm sóc giảm nhẹ các bệnh ung thư… Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục cử đội ngũ y-bác sĩ, điều dưỡng đi học tập, tiếp nhận các tiến bộ y học tại bệnh viện chỉ đạo tuyến để về phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân ung bướu điều trị tại Khoa”-bác sĩ Thanh cho biết thêm.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.