Thầy giáo đam mê sưu tầm truyện cổ Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 2 thập kỷ gắn bó với giáo dục vùng khó, thầy Ninh Văn Dậu-Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã “phải lòng” với những giá trị văn hóa của người Jrai ở vùng hạ du sông Ba.

Thầy cùng với các thế hệ học trò đã miệt mài sưu tầm truyện cổ dân gian từ những người già, nghệ nhân trong vùng.

Sưu tầm truyện cổ

Cái nắng nóng tháng 4 ở vùng “chảo lửa” Kông Pa khiến người ta chỉ muốn trốn nóng trong nhà. Thế nhưng, tranh thủ khoảng thời gian trống tiết dạy, thầy Dậu cùng nhóm 4 học sinh Jrai lại bon bon trên những con “ngựa sắt” cũ về làng. Đích đến là nhà ông Kpă Rik (buôn Chờ Tung, xã Ia Hdreh), người còn ghi nhớ hàng trăm câu chuyện cổ dân gian của người Jrai vùng này. Đây không phải lần đầu ông Rik tiếp đón thầy Dậu và học trò đến nghe kể chuyện. Ông Rik trải tấm chiếu lên sàn nhà, ngồi chính giữa bắt đầu kể chuyện. Ông kể câu chuyện về một người con gái Jrai lười biếng, không chịu lao động nên có kết cục buồn thảm.

Thầy Ninh Văn Dậu (bìa trái). Ảnh: H.N

Thầy Ninh Văn Dậu (bìa trái). Ảnh: H.N

Trong khi đó, thầy Dậu cùng học trò thay phiên nhau quay video, ghi lại câu chuyện của ông Rik bằng điện thoại. Vì không có chân máy nên khi người này mỏi tay lại chuyển điện thoại cho người khác tiếp tục quay. Thầy Dậu cho biết, anh thường hướng dẫn học trò khối lớp 10 về phương pháp sưu tầm văn học dân gian, vừa phục vụ cho việc giảng dạy văn học địa phương trong nhà trường, vừa kích thích sự yêu thích của học sinh với môn học này. Mỗi nhóm có khoảng 4-5 em. Các em được thầy đưa tới nhà nghệ nhân, người già trong vùng, hướng dẫn các em cách ghi lại trọn vẹn một câu chuyện theo trình tự. Thầy Dậu chia sẻ cách làm: “Có nhiều câu chuyện với độ dài-ngắn khác nhau nên cách ghi lại cũng cần có phương pháp. Ví dụ, đối với những câu chuyện dài, người dân kể một buổi chiều mới xong thì phải lưu lại thành nhiều file, đánh dấu trình tự để không bị lẫn lộn”. Đến nay, với sự hỗ trợ của các thế hệ học trò, thầy giáo Ninh Văn Dậu đã sưu tầm được trên 70 câu chuyện với hàng trăm file ghi âm, video.

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, em Ksor HTrân (lớp 10A4) cùng thầy Dậu và bạn học đi thực tế và sưu tầm được một số câu chuyện cổ. Đã dần quen với cách làm mà thầy Dậu chỉ dẫn, em và các bạn có thể tự thực hiện việc ghi âm, quay video nếu thầy có việc bận. HTrân chia sẻ: “Em đã sưu tầm được 4 truyện dân gian, quay video để gửi lại khi thầy vắng mặt. Em rất thích hoạt động này vì mỗi lần được nghe người già kể chuyện, em như được sống thêm một cuộc đời nữa. Có những câu chuyện ông Rik kể hay đến nỗi em quên cả nhiệm vụ. Hay có lần ông Rik kể câu chuyện về các loài vật, em đã bật khóc vì lo cho số phận của chúng”.

Còn em Kpă Bhuêng (lớp 11A2) cũng nhiều lần tham gia sưu tầm truyện cổ dân gian với thầy Dậu. Em cho biết: “Những câu chuyện người già kể lại giúp em hiểu vì sao ngọn núi, dòng suối nơi mình sinh ra lại mang tên như vậy. Các hiện tượng tự nhiên, phong tục, lễ hội cũng được giải thích thông qua những câu chuyện cổ. Quá trình sưu tầm giúp em hiểu hơn về truyền thống văn hóa của người Jrai nên em rất thích”.

Tài sản cho mai sau

Thầy Dậu cho biết: Trong quá trình sưu tầm truyện cổ, không phải lúc nào thầy cũng gặp suôn sẻ, chưa kể tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Sau mỗi chuyến đi, thầy thường bồi dưỡng chút ít cho người kể, xăng xe và nước uống cho các em học sinh. Tuy số tiền không nhiều nhưng ròng rã từ năm 2008 đến nay, số tiền túi bỏ ra cũng không phải là ít. Tuy vậy, thầy Dậu cho biết, thứ mà anh thu lại là vô giá: “Tôi về Krông Pa công tác từ năm 2007. Đến nay, tôi được tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò Jrai, trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con. Người Jrai có một nền văn học dân gian đồ sộ, đặc sắc. Nhất là những truyện cổ dân gian phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống vật chất và tinh thần, có thể nói đó “là bản thảo tâm hồn còn vẹn nguyên giá trị khởi thủy” của con người trên vùng đất này. Từ năm 2008, tôi đã manh nha ý tưởng sưu tầm kho tàng truyện dân gian này. Là giáo viên Ngữ văn cũng giúp tôi có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện ý tưởng. Thuận lợi nữa là chính các em học sinh Jrai cũng rất hứng thú với hoạt động này nên đã hỗ trợ tôi rất nhiều”.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Dậu, các em học sinh có cách ghi âm, quay video để lưu lại những câu chuyện do người già kể lại PG. Ảnh: H.N

Dưới sự hướng dẫn của thầy Dậu, các em học sinh có cách ghi âm, quay video để lưu lại những câu chuyện do người già kể lại PG. Ảnh: H.N

Thầy Dậu cho biết thêm, những người biết và kể được truyện cổ đa số là người già. Có những người thuộc hàng trăm truyện nhưng tuổi già cũng lấy đi trí nhớ của họ rất nhanh. Vì vậy, thầy làm công việc này cũng như chạy đua với thời gian. “Vì một khi người già mất đi, họ sẽ mang theo cả kho tàng truyện kể. Đó sẽ là điều tôi nuối tiếc nhất”-thầy Dậu trải lòng.

“Thầy sẽ làm gì với “vốn liếng” truyện cổ sưu tầm được hàng chục năm qua?”. Trước câu hỏi này, thầy Ninh Văn Dậu lấy ra tập bản thảo khoe với chúng tôi. Đó là một số câu chuyện thầy chọn lọc và nhờ người chuyển ngữ. “Đây là những câu chuyện giàu giá trị nhân văn, mang tính giáo dục cao, lại rất đặc trưng cho cuộc sống của người Jrai ở đây. Từ năm 2021, tôi nhờ thầy Kpă Pual-cựu Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chuyển ngữ Jrai-Việt. Tiếp đó, cô Ksor Hnhuih-Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Phú Thiện giúp tôi chuyển ngữ Việt-Jrai. Tôi làm thành một tuyển tập “Truyện dân gian của người Jrai ở huyện Krông Pa, Gia Lai” để phục vụ cho việc dạy môn Văn học địa phương trong nhà trường. Nếu có điều kiện, tôi sẽ nhờ chuyển ngữ thêm nhiều câu chuyện nữa, biên soạn để có thể in thành sách song ngữ Việt-Jrai. Hy vọng đây sẽ là một kênh thông tin hữu ích để sau này thế hệ trẻ Jrai có thể tìm hiểu thêm về văn học dân gian của dân tộc, đồng thời bảo tồn và phát huy vốn quý này”-thầy Dậu chia sẻ.

Thầy Kpă Pual cho biết, vì yêu quý tấm lòng của một người thầy dành nhiều tâm huyết cho văn hóa Jrai nên dù bận rộn với các dự án giáo dục, ông vẫn tranh thủ chuyển ngữ giúp thầy Dậu một số câu chuyện. Ông cho biết: “Việc chuyển ngữ mất rất nhiều thời gian, công sức vì có những từ ngữ Jrai cổ phải tra từ điển. Có những câu chuyện nghe đi nghe lại nhiều lần mới có thể chuyển ngữ chính xác. Những người già biết kể chuyện cổ ngày càng ít dần, nếu không sưu tầm thì kho tàng văn học dân gian Jrai sẽ mất theo lớp người này. Vì lẽ đó, thầy Dậu làm được như vậy là rất ý nghĩa, giúp bảo tồn kho tàng văn học dân gian của người Jrai. Thầy Dậu cũng không phải làm vì mục đích vụ lợi, mà hoàn toàn vì yêu thích, đam mê cá nhân nên càng đáng quý”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.