Mài sáng những “viên ngọc” văn học dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cũng như các dân tộc anh em trong cả nước, đồng bào Jrai, Bahnar ở Gia Lai sở hữu kho tàng văn học dân gian rất phong phú song chưa được sưu tầm, biên dịch đầy đủ. Với việc UBND tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030”, những “viên ngọc” văn học dân gian được kỳ vọng ngày càng tỏa sáng và phổ biến trong cộng đồng.

Văn học dân gian còn được gọi là “văn học truyền miệng”, bao gồm những truyện kể, thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè… được lưu truyền qua nhiều thế hệ dưới dạng văn nói. Ngay cả khi được các nhà nghiên cứu thu thập và xuất bản thì chúng vẫn được gọi là văn học truyền miệng. Riêng với 2 dân tộc bản địa Bahnar, Jrai tại Gia Lai, các tác phẩm văn học dân gian mang màu sắc riêng, đầy sức hút với các sử thi đồ sộ cùng hệ thống câu đố, dân ca, truyện cổ tích, truyện cười, hát ru… phong phú.

Nhưng chính vì tồn tại chủ yếu dựa vào ngôn ngữ nói, trong phạm vi một cộng đồng nên văn học dân gian rất dễ mai một trong đời sống. Từ thực tế đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong tỉnh đã dày công sưu tầm, giới thiệu, phổ biến các tác phẩm đặc sắc đến công chúng.

Đơn cử, năm 2016, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị sử thi của người Bahnar ở Gia Lai qua hình thức truyện tranh” do nhà văn Thu Loan làm chủ nhiệm đã cho thấy sự sáng tạo, nhân văn của một cách thức bảo tồn. Từ 6 sử thi Bahnar ở Gia Lai đã xuất bản, nhóm thực hiện đề tài đã chuyển thể thành 10 truyện tranh với nội dung được tóm tắt một cách cô đọng, tranh vẽ sinh động, hấp dẫn.

Với dự án sưu tầm, quảng bá truyện cổ tích Jrai, em Hà Kpă H'Huyền (bìa phải) và Hồ Thị Hồng Nhung đạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021). Ảnh: Mộc Trà

Với dự án sưu tầm, quảng bá truyện cổ tích Jrai, em Hà Kpă H'Huyền (bìa phải) và Hồ Thị Hồng Nhung đạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021). Ảnh: Mộc Trà

Theo nhà văn Thu Loan, nhóm thực hiện chọn hình thức truyện tranh hướng tới thu hút nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS). Cùng với đó, phải kể đến nỗ lực của tác giả Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khi dành thời gian sưu tầm, hoàn thiện hàng chục sử thi Bahnar, xuất bản nhiều cuốn sách về dân ca, truyện thơ, câu đố Bahnar, Jrai; gần đây nhất là tập sách “Câu đố Jrai và Bahnar” ra mắt năm 2017.

Càng đáng quý hơn khi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn văn học dân gian đã được chính chủ thể văn hóa ý thức, lĩnh hội. Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021), Dự án “Đánh giá hiệu quả việc bảo tồn truyện cổ tích Jrai bằng truyện tranh cho học sinh tiểu học Jrai” do 2 học sinh Hà Kpă H'Huyền và Hồ Thị Hồng Nhung (Trường THPT Pleime, huyện Chư Prông) thực hiện đã xuất sắc đạt giải nhất.

Ngoài 6 truyện cổ tích Jrai có được từ nguồn tài liệu chính thống của nhà sưu tầm Rơ Mah Del, các em đã tự sưu tầm thêm 4 truyện khác, sau đó tự thiết kế, lên bản thảo. Tập truyện dài 53 trang được chia thành 3 phần: cổ tích về các loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kỳ. Đến nay, các em đã sưu tầm hơn 30 truyện cổ tích của đồng bào Jrai.

Tuy hoạt động sưu tầm, quảng bá văn học dân gian thu được những kết quả đáng ghi nhận song cũng chỉ mới dừng ở nỗ lực cá nhân, do vậy chưa khai thác, phát huy hết giá trị. Từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030” được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt cuối năm 2022, UBND tỉnh cũng đã đưa ra dự thảo kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030”.

Dự thảo yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS phải gắn với thực tiễn đời sống xã hội và khả năng tồn tại của di sản; đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của các dân tộc tại chỗ. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trên cơ sở đó các ngành, các cấp liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai từng năm, từng giai đoạn phù hợp, hiệu quả.

Theo dự thảo, thời gian thực hiện kế hoạch từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2023 đến 2026; giai đoạn 2 từ năm 2027 đến 2030. Mục tiêu của giai đoạn 1 là phấn đấu sưu tầm, biên dịch, số hóa, xuất bản 15% tác phẩm văn học dân gian của các DTTS; tổ chức in tái bản 50.000 cuốn/1 truyện tranh để chuyển giao cho thư viện các cấp, hệ thống trường học và các thiết chế văn hóa cơ sở. Phấn đấu tổ chức phục dựng, quay phim 1-2 thể loại văn học dân gian của các DTTS có nguy cơ mai một; hình thành 2-3 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian/1 đơn vị cấp huyện để thực hành, biểu diễn và trao truyền.

Để quảng bá rộng rãi văn học dân gian, dự thảo đề ra kế hoạch tổ chức 1-2 cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm văn học dân gian của các DTTS trên quy mô toàn tỉnh; tổ chức tối thiểu 1 hội thảo khoa học cấp tỉnh và 2 đợt tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, sưu tầm, phát huy giá trị của loại hình văn học này. Phấn đấu 30% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào DTTS đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh.

Ở giai đoạn tiếp theo, các chỉ tiêu nêu trên được nâng lên gấp đôi. Các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu giá trị của các tác phẩm văn học dân gian cũng được đề xuất kịp thời biểu dương khen thưởng.

Trước nguy cơ mai một vốn quý văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất cao nguyên, những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng bảo vệ và phát huy. Với kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030”, vẻ đẹp lấp lánh riêng có của những “viên ngọc” quý văn học dân gian càng thêm rạng rỡ, người dân từ chỗ tự hào mà chung tay quyết tâm gìn giữ.

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.