Thách thức cổ phần hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ đầu năm 2019 đến nay, chẳng những chưa có thêm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nào được cổ phần hóa (CPH) , mà còn có hàng chục DN xin lùi kế hoạch. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa đang ngày càng xa mục tiêu kế hoạch.
Trong danh sách 108 DNNN thuộc kế hoạch CPH 2017 - 2018 thì đến tháng 2/2019 vẫn còn 77 DN chưa được phê duyệt phương án CPH (chiếm 71%). 
 
Cần phải cổ phần hóa 95 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019 thay vì 18 DN để hoàn thành kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt . Ảnh: Lê Tiên
Khó đạt mục tiêu?
Cuối tháng 3/2019, Báo cáo tình hình phát triển DN năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một thông tin rất đáng suy ngẫm về hiệu quả hoạt động của DNNN. Đó là hết năm 2018, cả nước có khoảng 490 DNNN (100% vốn nhà nước) có tổng tài sản ước đạt 1.848,3 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số lãi chỉ đạt 26.425 tỷ đồng.
Theo góc nhìn của ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động CPH DNNN hiện nay rất trì trệ. 2 năm qua, CPH DNNN rất chậm, cộng thêm trong quý I/2019 chưa có DN nào được CPH. “CPH trì trệ thì nguồn lực cho phát triển không thể giải phóng...”, ông Ân khẳng định.
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra một loạt thách thức đối với việc hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2017 - 2020. Phần lớn bộ, ngành, địa phương không hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt. Bộ Công Thương có 2 DN được phê duyệt phương án CPH trong số 6 DN thuộc kế hoạch 2017 - 2018; Bộ Xây dựng có 2/4 DN; TP. Hà Nội có 1/15 DN, TP.HCM chưa có DN CPH trong số 39 DN cần CPH thuộc kế hoạch năm 2018…
CIEM cho rằng, kết quả này đặt ra thách thức rất lớn là phải CPH 95 DNNN ngay trong năm 2019 thay vì 18 DN để hoàn thành kế hoạch đã phê duyệt tại Văn bản số 991/TTg-ĐMDN, nhất là khi trong danh sách này có mặt nhiều “ông lớn” DNNN. 
Cụ thể, năm 2019 có 6 trong tổng số 19 DNNN thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ phải thực hiện CPH, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Trong khi đó, nhiệm vụ CPH các DN thuộc 19 “ông lớn” chuyển về “siêu” Ủy ban thực hiện còn chậm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 3 DN, nhưng mới thực hiện CPH được GENCO3; TKV có 4 DN, nhưng mới có 1 DN đang thực hiện CPH (các đơn vị khác xin tạm dừng)…
Lo ngại hơn, đến nay, nhiều bộ, ngành và địa phương đã đề xuất phê duyệt lại lộ trình trên nguyên tắc chuyển việc CPH các DN thuộc kế hoạch 2017 - 2018 và 2019 sang thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2020. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng hoàn thành đúng kế hoạch đã được phê duyệt tại Văn bản 991/TTg-ĐMDN là rất thấp.
Cần xử lý nghiêm người đứng đầu
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến hoạt động CPH DNNN trì trệ là do thực thi kỷ luật hành chính chưa nghiêm và cơ chế xử lý vi phạm không rõ.
Ngay từ giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải có hình thức xử lý thích hợp khi không thực hiện đúng tiến độ sắp xếp, CPH DNNN. Chỉ thị số 04/CT-TTg năm 2017 và Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2019 tiếp tục khẳng định: “Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn…; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của DNNN; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn”. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc thực thi và xử lý trách nhiệm trong quá trình CPH và tái cơ cấu DNNN chưa tốt, chưa nghiêm, số trường hợp bị xử lý trách nhiệm, thay thế, điều chuyển công tác rất nhỏ.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng nhìn nhận, có nhiều đơn vị chậm trễ trong quá trình CPH DNNN, song gần như chưa có ai bị mất chức.
Bên cạnh việc chưa xử lý hoặc không xử lý được tình trạng thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ CPH, CIEM còn cho rằng, hiện đang thiếu cơ chế và quy định pháp luật cụ thể để xác định rõ hình thức sai phạm, mức độ xử lý cũng như xác định rõ cấp có thẩm quyền đánh giá và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hoàn thành kế hoạch CPH…
Ngoài nguyên nhân nêu trên, quá trình CPH hiện còn vướng trong việc thực hiện quy định và chính sách CPH, nhất là xử lý vấn đề đất đai, tài chính; thay đổi thể chế, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước…
Bởi vậy, nếu quá trình CPH DNNN không thể hoàn thành kế hoạch vào cuối năm 2020, thì nhiều mục tiêu quan trọng khác của CPH rất khó hoàn thành như: Mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức sàn quy định, mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân… Về tổng thể, nếu CPH không thu hút được đầu tư xã hội và Nhà nước tiếp tục phải duy trì phần vốn đầu tư tại DN thì sẽ không làm thay đổi phân bổ nguồn lực giữa các thành phần kinh tế, vì vậy không đạt mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
An ninh tiền tệ/Theo báo Đấu thầu

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.