Tết ăn con dúi ở Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

1lgo-3225-2194-3493.jpg

Những con dúi béo núc ních ở cánh rừng già được người dân chọn làm vật cúng tế với hy vọng được no đủ, quanh năm không bao giờ thiếu thức ăn.

Tại Gia Lai, nghi lễ này hiện chỉ còn được lưu giữ ở “ốc đảo” Kon Pne. Ngoài mục đích giáo dục con cháu phải siêng năng, cần cù làm ăn thì người dân còn muốn lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, thắt chặt tình đoàn kết buôn làng.

Săn vật tế Yàng

Khi màn sương vẫn còn chờn vờn nơi lưng chừng núi, anh A Uôt (làng Kon Ktonh) đã trở dậy chuẩn bị cuốc, thuổng lên rừng. Gần tới ngày Tết ăn con dúi rồi nhưng trong làng vẫn còn gia đình chưa tìm được vật tế lễ nên đến cậy nhờ anh tìm giúp. Bởi từ trước tới nay, anh là “khắc tinh” đối với loài gặm nhấm này.

Nhớ lại buổi đi rẫy vài ngày trước, anh A Uôt phát hiện nơi có loài dúi trú ẩn nhưng vì nhà đã chuẩn bị lễ vật cúng từ cách đây hơn tháng nên không đào bắt nữa. Nay, vì nhận lời giúp, anh A Uôt đã hẹn người bạn là anh A Ấu cùng đi, phải bắt cho kỳ được và không thể trở về tay không.

Các ngôi làng ở Kon Pne nằm giữa một thung lũng, xung quanh là núi non, rừng già bao bọc. Do vậy, chỉ cần hơn 10 phút đi xe máy, 2 anh đã đến khu vực săn dúi. Vượt qua chiếc cầu treo chênh vênh bắc qua suối, đi bộ thêm chừng 10 phút nữa là đến nơi có hang dúi mà trước đó anh A Uôt phát hiện.

Chỉ tay vào bụi le có nhiều lá vàng úa, anh A Uôt cho biết đó là dấu hiệu nhận biết nơi cư ngụ của loài gặm nhấm này. Khi nhổ cây lên xem, thấy rễ cây đã bị ăn sạch, anh A Uôt càng khẳng định nơi đây có dúi sinh sống. Dúi thường sống trong hang đất hay khoét sâu dưới những bụi rậm, ngách đá trú ẩn. Thức ăn ưa thích của chúng là rễ các loại cây tre, đót hay từ những bụi le, đôi khi là rẫy mì của người dân gần đó.

sau-mot-luc-dao-boi-anh-a-uot-lang-kon-ktonh-xa-kon-pne-da-may-man-bat-duoc-con-dui-de-lam-vat-cung-te-2686.jpg
Sau một lúc đào bới, anh A Uôt (làng Kon Ktonh, xã Kon Pne) đã may mắn bắt được con dúi để làm vật cũng tế. Ảnh: M.N

Vừa nói, anh A Uôt vừa phát dọn cây cối xung quanh để tìm cửa hang của chúng. Thấy cái hang có lớp đất đang bịt kín miệng, anh A Uôt khẳng định chắc nịch: “Hang này chắc chắn có dúi”.

Theo anh A Uôt, loài dúi thường đi ăn đêm nên ban ngày rúc vào hang và ủi đất lấp miệng hang để ẩn mình nghỉ ngơi. Còn nếu không có lớp đất đùn ở cửa hang thì có nghĩa là chúng đã bỏ đi nơi khác.

“Gặp hang dễ thì chỉ cần đào gần nửa tiếng đồng hồ là có thể tóm gọn được nó. Nhưng đụng phải hang có nhiều ngóc ngách, lại ăn sâu vào những bụi tre lớn, hốc đá hay luồn lách nơi gốc cây to thì có khi mất cả buổi, thậm chí nhiều khi đành bỏ cuộc”-anh A Uôt nói.

Vừa nhanh tay bổ những nhát cuốc xuống khu vực hang dúi, anh A Ấu vừa vui vẻ góp chuyện. Theo anh A Ấu, hang dúi có nhiều ngõ ngách nên phải xác định được ngách nào chúng đang lẩn trốn. Việc này chỉ dành cho những tay săn dúi lão luyện. Còn nếu cứ đào theo kiểu lục tung các ngõ ngách thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, khi hang ổ bị động, dúi sợ hãi lại càng đào hang sâu thêm để tìm đường thoát thân.

Bản thân anh đã từng bị loài vật thông minh này... dắt mũi. Đó là lần bắt dúi ở bờ suối, miệng hang ăn sâu kiểu thẳng đứng, đào sâu gần 2 m, mệt bở hơi tai mà con vật vẫn mịt mờ bóng dáng. Lúc này, anh quyết định lấy nước đổ vào hang với mục đích khiến con dúi ngạt thở sẽ chui ra. Thế nhưng, mặc cho anh hì hụi đổ nước đến tràn miệng hang, con vật vẫn “bặt vô âm tín”.

Sau khi xác định lại vị trí xung quanh, anh quyết tâm mở rộng khu vực tìm kiếm. Đào thêm một lúc nữa thì anh mới phát hiện ra cái ngách mà con dúi đào trổ hướng lên mặt đất. Thế nên, dù anh có đổ bao nhiêu nước thì nó vẫn không ướt một cọng lông nào mà còn nhởn nhơ chơi trò... trốn tìm. Nhưng rồi ngay sau đó, nó đã phải trả giá khi trêu ngươi người kiên nhẫn hơn mình.

anh-a-uot-lang-kon-ktonh-xa-kon-pne-voi-chien-loi-pham-sau-mot-luc-dao-boi-la-con-dui-nang-tam-05-kg-9004.jpg
Anh A Uôt (làng Kon Ktonh) với chiến lợi phẩm sau một lúc đào bới là con dúi nặng tầm 0,5 kg. Ảnh: M.N

Trong lúc quan sát việc đào bới, mắt anh A Uôt sáng rực khi phát hiện con dúi nằm ở cuối hang. Sau gần 20 phút mồ hôi ướt đẫm lưng, anh bước đến thò tay tóm chặt phần gáy của con dúi mang ra ngoài. Chiến lợi phẩm tuy có hơi “khiêm tốn”, chỉ nặng tầm 0,5 kg nhưng anh vẫn rất vui.

“Hôm nay may mắn, con dúi này mới di cư đến nên hang không sâu như những hang khác. Quan trọng hơn là có 1 con để người trong họ cúng Yàng”-anh A Uôt hồ hởi nói.

Độc đáo Tết của người Bahnar

Hàng năm, cứ vào những ngày đầu tháng 10 dương lịch, khi cây lúa bắt đầu trổ đòng cũng là thời điểm các làng ở xã Kon Pne tổ chức Tết ăn con dúi. Năm nay, Tết ăn con dúi của làng Kon Ktonh diễn ra đầu tiên, sau đó là các làng Kon Hleng, Kon Kring. Lễ vật không thể thiếu là con dúi và những ghè rượu ngon.

Ông A Kheo cho hay: Cách đây hơn 1 tháng, ông đã huy động các thành viên gia đình đào bắt dúi đem về làm sạch rồi luộc, phơi khô trên gác bếp để làm lễ vật. Còn rượu ghè cũng được gia đình ủ từ nhiều tháng trước.

“Tết ăn con dúi là Tết truyền thống của người dân ở đây. Ngày Tết, gia đình và người thân họ hàng tụ họp đầy đủ, bà con trong làng cũng tập trung về đây để cầu mong mùa màng bội thu, lúa thóc đầy kho, mọi gia đình đều ấm no, hạnh phúc. Mọi người cùng quây quần uống rượu, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, từ đó tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng càng thêm keo sơn, gắn bó”-ông A Kheo chia sẻ.

Còn ông Đinh A Nhat kể lại: Hồi nhỏ, ông vẫn thường theo bố mẹ đi dự lễ ăn con dúi. Gia đình ông xem đây là dịp gắn kết các thành viên, thắt chặt tình đoàn kết với cộng đồng.

“Gia đình tôi cũng như các hộ dân trong làng cầu mong mùa màng thuận lợi, có cái ăn, cuộc sống ấm no. Con dúi tuy nhỏ, thịt không nhiều nhưng phần lộc này thay cho lời chúc phúc, cầu sự may mắn cho nhau, đồng thời cũng thể hiện sự yêu thương, đoàn kết chia sẻ thuận lợi, lúc khó khăn trong cuộc sống giữa các hộ dân trong làng”-ông A Nhat vui vẻ nói.

nguoi-dan-lang-kon-ktonh-chuan-bi-vat-le-cung-te-truoc-luc-thuc-hien-cac-phan-nghi-le-tet-an-con-dui-cua-cong-dong-lang-9556.jpg
Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Để chuẩn bị cho buổi lễ, lễ vật được xếp dọc hai bên hàng cột gỗ vững chắc ngay giữa nhà rông. Mỗi gia đình đem theo lễ vật cúng Yàng gồm: 1 ghè rượu ngon, 1 ống lồ ô đựng nước, cần rượu và một vài lá chuối tươi, lạt buộc, sợi chỉ trắng; trong đó, quan trọng nhất là 1 con dúi được buộc cẩn thận vào cây le, phía trên đầu có 1 ngọn nến làm từ sáp ong mà người dân dùng để “rọi sáng cho ông bà thấy lối về”, ngoài ra còn “dẫn đường” cho hạt lúa về đến từng nhà, mùa màng thuận lợi, nhiều điều may mắn, tốt lành.

Lúc già làng thông báo buổi lễ bắt đầu, bà con đồng loạt mở nắp, đổ nước từ ống lồ ô vào ghè rượu; đồng thời, buộc ghè rượu vào trụ gỗ được dành riêng cho gia đình rồi cắm cây le có buộc con dúi vào ghè. Tiếp đó, mọi người thắp nến cầu nguyện, mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình và dân làng.

Khi thực hiện nghi lễ, già làng dùng chiếc cần đi một vòng chọc vào tất cả các ghè rượu để lấy một ít nhỏ vào cái phễu làm bằng lá chuối, sau đó đem đến đặt tại một góc trang trọng gần cửa nhà rông. Một que tre nhỏ xâu những miếng da đầu con dúi được từng gia đình đem đến cắm gần phễu rượu mà già làng vừa đặt xuống để hành lễ.

Trải qua một đêm cúng ở nhà rông, đến trưa hôm sau, người dân mới được hạ vật tế xuống chia thịt ăn và quây quần uống rượu ghè, trò chuyện. Nhà rông lúc này chật kín người, ồn ã tiếng nói cười, chếnh choáng men say. Khách phương xa cũng được mời rượu đến mềm môi. Nhiều người còn tranh thủ dịp này trao đổi với nhau kinh nghiệm làm ăn.

gia-lang-a-hing-cho-hay-viec-lay-mot-it-ruou-tu-cac-ghe-ruou-vao-chiec-pheu-chung-the-hien-tinh-doan-ket-cua-cac-ho-dan-trong-lang-tren-duoi-dong-long-7972.jpg
Già làng A Hing cho hay việc lấy một ít rượu từ các ghè rượu vào chiếc phễu chung thể hiện tình đoàn kết của các hộ dân trong làng, trên dưới đồng lòng. Ảnh: M.N

Trao đổi về ý nghĩa của việc lấy một ít rượu từ các ghè rượu vào chiếc phễu chung, già làng A Hing cho hay: Điều này thể hiện tình đoàn kết của các hộ dân trong làng, trên dưới đồng lòng. Trong khi đó, sợi chỉ trắng là biểu tượng thông linh với Yàng, với tổ tiên và mang ý nghĩa của sự kết nối, cộng cảm trong cộng đồng.

Nhấp cang rượu ghè, già A Hing chia sẻ: “Dúi là con vật hiền lành, không phá hoại mùa màng, chỉ ăn rễ cây mà thức ăn này ở làng thì không bao giờ thiếu. Đây là con vật biểu tượng cho sự cần cù, siêng năng và no ấm nên dân làng muốn nhắc nhở và giáo dục con cháu luôn đoàn kết, chăm chỉ làm việc để có được một cuộc sống no ấm, đầy đủ và hạnh phúc”.

2lgo-1748-656-2033-5889.jpg

Có thể bạn quan tâm

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ cuối: "Chìa khóa" trong phát triển đảng viên là học sinh

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ cuối: "Chìa khóa" trong phát triển đảng viên là học sinh

Hiện nay, công tác phát triển đảng viên là học sinh ở một số cấp ủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, việc tìm lời giải cho bài toán phát triển thế hệ kế cận của Đảng rất cần được cấp ủy các cấp lưu tâm.

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ 2: Vững vàng hành trang lý tưởng

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ 2: Vững vàng hành trang lý tưởng

Từ công tác ươm tạo, chăm lo bồi dưỡng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã "gặt hái" được thành quả khi có nhiều đảng viên là học sinh tiêu biểu. Sau khi được kết nạp Đảng, những “mầm xanh” này đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh tiên phong của mình.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.

Trên hòn đảo tiền tiêu

Trên hòn đảo tiền tiêu

Hòn đảo ấy án ngữ phía biển đông, nơi vọng gác tiền tiêu trong thời chống Mỹ trong những năm tháng gian nan và oai hùng. Bây giờ hòn đảo ấy đã yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt.

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Chính thu. Tôi ngược quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn trở lại vùng đất Chi Lăng lịch sử. Quê tôi vốn là mảnh đất hiểm trở với dãy núi Kai Kinh sừng sững nhưng lại là thỗ nhưỡng màu mỡ tạo nên những trái na đặc sản nức tiếng.