Tạo ra sản phẩm OCOP từ cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quá trình khám-chữa bệnh, lương y Đường Minh Vũ-chủ tiệm thuốc Đông y Phổ Lợi (phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư máy móc để sản xuất nhiều sản phẩm từ cây dược liệu có sẵn tại địa phương.
Năm 1995, kế thừa nghề truyền thống của gia đình, lương y Đường Minh Vũ mở tiệm thuốc Đông y Phổ Lợi. Nhằm phát huy những bài thuốc quý và tiêu thụ nguyên liệu cho người dân, năm 2014, lương y Đường Minh Vũ quyết định đầu tư máy móc để sản xuất trà thảo dược. Khi đó, ông Vũ sản xuất sản phẩm “Thanh trang trà” sử dụng một số thảo dược như: cà gai leo, hồng anh, nấm linh chi, cỏ ngọt, kim ngân hoa... có công dụng làm mát gan, giải độc. Các loại thảo dược sau khi sao vàng hạ thổ, đóng gói, dán nhãn mác, cung ứng ra thị trường nhận được phản hồi tích cực. “Tuy nhiên, Thanh trang trà là sản phẩm thô, người tiêu dùng sẽ gặp chút bất tiện khi sử dụng. Vì vậy, năm 2016, tôi đầu tư máy nghiền, máy sao trộn, máy đóng gói để sản xuất trà túi lọc, vừa đem đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng lại đảm bảo được việc chiết xuất các dược tính trong sản phẩm”-ông Vũ chia sẻ.
Hiện ông Vũ đã phát triển được 30 sản phẩm gồm: trà dưỡng tâm, trà thấp khớp, trà ích trí bổ thần kinh… Đồng thời, ông còn mua sắm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất. “Năm 2018, tôi dốc hết vốn liếng và vay mượn được 5,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và nâng cấp máy móc để chế biến các loại dược liệu thành viên nén, trà hòa tan và si rô. Các sản phẩm cung cấp cho hệ thống siêu thị và nhà thuốc Đông y ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Doanh thu hàng năm đạt 3-3,6 tỷ đồng”-ông Vũ cho biết.
Lương y Đường Minh Vũ đã đầu tư máy móc để chế biến ra nhiều sản phẩm từ cây dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh
Lương y Đường Minh Vũ đã đầu tư máy móc để chế biến ra nhiều sản phẩm từ cây dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh
Bác sĩ Nguyễn Minh Lại-Chủ tịch Hội Đông y thị xã An Khê: “Lương y Đường Minh Vũ không những tích cực tham gia công tác Hội, gìn giữ nhiều bài thuốc cổ truyền mà còn dày công nghiên cứu, sản xuất đa dạng, phong phú sản phẩm từ cây dược liệu tại địa phương. Bên cạnh đó, ông Vũ đã khai thác và sử dụng hiệu quả các loại dược liệu trong điều trị bệnh; chú trọng sử dụng phát triển vùng dược liệu tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Hàng năm, cơ sở sản xuất sản phẩm thảo dược của lương y Đường Minh Vũ tiêu thụ khoảng 60 tấn dược liệu gồm: cà gai leo, gừng, đinh lăng, cỏ ngọt, sa nhân tím, chè dung, mật nhân, nấm linh chi, lạc tiên, lá vông… của người dân và các hợp tác xã ở khu vực phía Đông tỉnh; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 3,5-6,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ chủ động thu mua, chế biến dược liệu, ông Vũ còn tích cực tham gia đăng ký sản phẩm OCOP. “Năm 2020, sản phẩm viên uống mật nhân Vũ Minh Phát xếp hạng 3 sao; sản phẩm trà gừng Vũ Minh Phát và trà cà gai leo Vũ Minh Phát được xếp hạng 4 sao. Năm nay, chúng tôi đăng ký sản phẩm viên uống hà thủ ô, viên uống trái nhàu, trà lạc tiên tham gia Chương trình OCOP. Thời gian tới, cơ sở sẽ sản xuất nước uống cà gai leo; phối hợp với Hội Nông dân thị xã triển khai mô hình trồng gừng với quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu cho cơ sở”-lương y Đường Minh Vũ thông tin.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.