Sưởi ấm những trái tim nhỏ vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiệt tình chăm sóc, khám bệnh, ân cần dặn dò cách uống thuốc cho trẻ em và để lại địa chỉ liên lạc khi gia đình bệnh nhân cần... là những cử chỉ đẹp mà các bác sĩ trẻ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh để lại trong chương trình thiện nguyện khám-chữa bệnh, tặng quà cho trẻ em trên địa bàn huyện.

Buổi sáng cao nguyên lạnh se sắt nhưng hơn 500 trẻ em của xã Ia Kreng đã được bố mẹ đưa đến Trường THCS xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) thật sớm để chờ đón đoàn thiện nguyện. Anh Der Oan (làng Doch 1, xã Ia Kreng) gác lại hết công việc nương rẫy để đưa con đến khám bệnh. “Vợ chồng bận làm kiếm tiền nên không có điều kiện đưa con đi khám được. Mấy ngày trước, mình nghe nói có đoàn thiện nguyện về khám-chữa bệnh miễn phí nên ngay từ sớm mình đã tranh thủ đưa con đến đây”-anh Der Oan chia sẻ.

 

Các bác sĩ nhiệt tình khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: N.T
Các bác sĩ nhiệt tình khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: N.T

Không phụ lòng trông mong của các em nhỏ, chiếc xe đưa đoàn thiện nguyện đã nhanh chóng đến với địa phương. Trên xe lỉnh kỉnh thuốc men, dụng cụ khám-chữa bệnh cùng nhu yếu phẩm thiết yếu được các bạn đoàn viên thanh niên nhanh chóng đưa xuống xe, chuyển vào trong trường. Ngay lập tức, các bác sĩ trẻ cùng với đoàn viên thanh niên của huyện sắp xếp nơi khám-chữa bệnh tại những phòng học của nhà trường.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng-Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi đến với Gia Lai vừa để chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe trẻ em cho Bệnh viện Nhi, đồng thời phối hợp với các Mạnh Thường Quân cùng đến những vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh để khám-chữa bệnh miễn phí cho trẻ em. Tôi hy vọng, sự đóng góp nhỏ bé của đơn vị sẽ đem đến nhiều niềm vui hơn cho các em. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn nhiều chương trình thiện nguyện như thế này nữa”.

Những phần quà nhanh chóng được đoàn thiện nguyện trao cho 500 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nhận quà, các em nhỏ nhanh chóng xếp hàng, đôi mắt ánh lên niềm vui và hy vọng khi sắp đến lượt được các bác sĩ khám bệnh.

Cầm bì thuốc trên tay, chị Broc (làng Dip, xã Ia Kreng) không giấu được sự vui mừng: “Bé nhà mình mới có 3 tuổi mà bị đau mắt, viêm tai, nấm đầu lâu quá thành chảy máu nhưng gia đình không có tiền đi chữa trị. Hôm nay có đoàn về khám, mình vui lắm”.

Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah, cho biết: “Huyện ủy đã phân công Huyện Đoàn hỗ trợ đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 khi đến địa bàn làm thiện nguyện. Đồng thời, thông báo cho xã tập trung các cháu đến địa điểm khám-chữa bệnh đúng thời gian. Đối với các cháu bệnh nặng, hiểm nghèo, huyện phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 đưa các cháu đến thẳng bệnh viện tuyến trên điều trị miễn phí. Hiện nay, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế. Do đó, chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều đoàn từ thiện đến với huyện, xã nghèo để cùng với hệ thống y tế huyện nhà hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Khi công việc hoàn tất, chiếc xe chở đoàn thiện nguyện lăn bánh rời khỏi xã nhưng hình ảnh về các bác sĩ trẻ tận tâm, đoàn viên thanh niên nhiệt tình vẫn còn ở lại với người dân nơi đây.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.