Sri Lanka: Tổng thống đắc cử Dissanayake tuyên thệ nhậm chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng thống đắc cử Anura Kumara Dissanayake cho biết chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiệm vụ chính của ông là tạo ra "nền văn hóa chính trị mới".
Ông Anura Kumara Dissanayake (giữa), lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) theo chủ nghĩa Marx, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Anura Kumara Dissanayake (giữa), lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) theo chủ nghĩa Marx, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/9, Tổng thống đắc cử Anura Kumara Dissanayake đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành nguyên thủ quốc gia thứ 9 của Sri Lanka kể từ khi nước này độc lập vào năm 1948.

Phát biểu tại lễ nhậm chức diễn ra ở thủ đô Colombo phát sóng trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Dissanayake cho biết chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiệm vụ chính của ông là tạo ra "nền văn hóa chính trị mới".

Ông Dissanayake cam kết sẽ làm việc với các chuyên gia và đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước. Ông đồng thời khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước.

Trước đó một ngày, Ủy ban Bầu cử Sri Lanka tuyên bố ông Dissanayake, sinh năm 1968, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) theo chủ nghĩa Marx, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 21/9 khi nhận được 42,31% số phiếu bầu.

Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa đạt số phiếu bầu cao thứ hai (với tỷ lệ ủng hộ 32,76%) và Tổng thống sắp mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe nhận số phiếu bầu cao thứ ba (nhận được 17,27% số phiếu ủng hộ).

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ vào năm 2022. Sự yếu kém trong quản lý kinh tế của các chính quyền tiền nhiệm khiến đảo quốc Nam Á gần như rơi vào cảnh vỡ nợ, cạn kiệt dự trữ ngoại hối, hàng hóa thiết yếu và nhiên liệu khan hiếm trầm trọng.

Sự sụp đổ kinh tế dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ trong hai tháng 6 và 7/2022, trong đó đỉnh điểm là những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà quan trọng ở thủ đô Colombo, buộc Tổng thống khi đó Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và rời khỏi đất nước.

Theo Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm