Sốt xuất huyết tăng nhanh, tập trung thu dung, điều trị bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai-nhận định: Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) thời gian tới tiếp tục gia tăng; số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Theo đó, ngành Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Số ca mắc SXH gia tăng nhanh trong vòng 2 tháng qua. Trong tháng 6 và 7, Gia Lai đã ghi nhận trên 2.100 ca mắc SXH. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 2.400 ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tổng số ổ dịch SXH đã ghi nhận từ đầu năm đến nay là 511, trong đó, 467 ổ dịch đã được xử lý, 153 ổ dịch chưa được khống chế. Dịch bệnh SXH tăng 6,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tập trung nhiều nhất tại các huyện: Ia Grai 321 ca, Chư Pưh 275 ca, Krông Pa 198 ca, Chư Prông 191 ca, Đak Pơ 277 ca, TP. Pleiku 233 ca... Dịch bệnh xảy ra tại 129/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.
Theo ông Đinh Hà Nam, dịch bệnh lưu hành tại tỉnh cùng lúc 3/4 tuýp SXH gồm DEN 1, DEN 2 và DEN 4. Vì vậy sẽ còn tiếp tục phức tạp trong thời gian tới, dự kiến đỉnh dịch rơi vào tháng 8 và tháng 9. Các ca nhiễm SXH nặng tại tỉnh gia tăng một phần do có sự xuất hiện của tuýp DEN 2 nhiều hơn so với trước đây.
 
Chăm sóc bệnh nhân SXH tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Chăm sóc bệnh nhân SXH tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị SXH. Trong đó, chia 3 mức độ: Mức độ 1, SXH nhẹ (phần lớn các trường hợp điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ). Mức độ 2, SXH có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh nhập viện điều trị). Mức độ 3, SXH nặng (người bệnh nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: sốc SXH, sốc SXH nặng, xuất huyết nặng, suy tạng nặng. “Hiện nay đang có tình trạng nhiều bệnh nhân tự chuyển tuyến điều trị. Vì vậy, người dân cần tuân thủ điều trị theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kịp thời chỉ định chuyển tuyến”-ông Nam nói.
Gia tăng ca bệnh nặng
Tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), không chỉ số ca bệnh SXH nhập viện điều trị tăng cao mà số ca có dấu hiệu cảnh báo nặng cũng tăng. Bác sĩ Siu Ru-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới-cho hay: Những năm trước, lúc cao điểm, chúng tôi điều trị trên 100 bệnh nhân SXH là bình thường. Năm nay, số ca điều trị chưa quá 70 nhưng chuyển nặng nhanh, có các dấu hiệu cảnh báo như sốt, đau bụng, nôn mửa liên tục ra máu, chảy máu nướu răng khiến công tác chăm sóc, điều trị gặp nhiều áp lực.   
Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động, sẵn sàng trong việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH trong trường hợp các ca mắc SXH tăng nhanh. Ảnh: Như Nguyện
Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động, sẵn sàng trong việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH trong trường hợp các ca mắc SXH tăng nhanh. Ảnh: Như Nguyện
Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) những ngày qua cũng liên tiếp tiếp nhận, điều trị ca bệnh nhi sốc SXH. Có thời điểm, Khoa tiếp nhận 4 đến 5 trường hợp sốc SXH từ tuyến dưới chuyển lên. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc-chia sẻ: Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH bắt đầu tăng nhanh cùng với sự gia tăng các ca bệnh nặng với các biểu hiện sốc SXH, tổn thương các cơ quan, xuất huyết nặng, một số trường hợp tái sốc…
Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam cho biết: Muốn dập được dịch SXH triệt để thì không còn cách nào khác là diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, không để ao tù nước đọng để muỗi không có nơi sinh sản và phát triển. “Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế chủ động, sẵn sàng với tình huống ca mắc SXH tăng nhanh, đảm bảo công tác thu dung điều trị”-ông Nam nói.
NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.