Từ việc cụ thể hóa bằng các đề án lớn, đồng bộ hạ tầng, đào tạo nhân lực… Gia Lai đang khẳng định quyết tâm vươn lên bằng khoa học và đổi mới sáng tạo.
Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW trên địa bàn tỉnh, đến nay, một loạt đề án lớn được phê duyệt và trình cấp thẩm quyền như: Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và an toàn-an ninh mạng giai đoạn 2025-2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn; Đề án phát triển giáo dục STEM trong trường phổ thông; Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung tại Quy Nhơn với định hướng trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo khu vực Trung Bộ-Tây Nguyên. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, điển hình như hệ thống LGSP tích hợp dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh…
Chuyển đổi số tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nền tảng
Giám đốc Sở KH&CN Trần Kim Kha cho biết: Chúng tôi đã hoàn tất 100% số hóa dữ liệu hộ tịch, đưa vào sử dụng khai thác hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính toàn trình, phi địa giới. Đặc biệt, triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% trường học và cơ sở y tế toàn tỉnh.

Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, UBND tỉnh phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn và các trường cao đẳng trong tỉnh tổ chức thành công khóa bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số cho gần 7.000 cán bộ, công chức, viên chức từ cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội… Dự kiến, trong năm 2025 sẽ đào tạo hơn 34.600 học viên.
PGS.TS Đoàn Đức Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ vai trò là trung tâm đào tạo và chuyển giao tri thức số. Nội dung các lớp học không chỉ dừng ở kỹ năng sử dụng công cụ mà còn nâng cao nhận thức, giúp cán bộ nhìn nhận sâu sắc vai trò của dữ liệu và công nghệ trong quản trị”.
Tỉnh đã cấp chữ ký số cho gần 37.000 cán bộ, triển khai hệ thống điều hành điện tử các cấp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh mới vận hành từ ngày 1-7 kết nối đến 135 xã, phường; hoàn tất hợp nhất cơ sở dữ liệu và cấp mã định danh điện tử cho toàn bộ cơ quan hành chính.
Hệ thống y tế, giáo dục cũng được chuyển đổi mạnh mẽ. Toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Bình Định (cũ) đã hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi số ngành y tế: Lắp đặt Kiosk thông minh, triển khai bệnh án điện tử (EMR) và kết nối thành công với hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia. Từ đơn vị y tế đầu tiên triển khai cuối tháng 5-2025, đến nay, EMR đã được các cơ sở y tế địa bàn tỉnh Bình Định (cũ) hoàn thành, sớm 3 tháng so với thời gian yêu cầu của Trung ương, trở thành một trong những địa phương đi tiên phong.
“Thành công này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân với quy trình khám-chữa bệnh thuận tiện, hiệu quả hơn, mà còn góp phần định hình nền y tế thông minh, hướng đến phục vụ một cách toàn diện. Ngay tháng 7.2025, tiếp tục triển khai rộng rãi đến toàn bộ cơ sở khám-chữa bệnh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ)”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Cơ hội vàng để bứt phá phát triển
Đồng chí Hồ Quốc Dũng-Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh-nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Tổng Bí thư xác định là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, Gia Lai không chỉ xem chuyển đổi số là xu thế, đây còn là cơ hội vàng để bứt phá phát triển. Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tỉnh đã cụ thể hóa thành 119 nhiệm vụ trọng tâm, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đặc biệt chú trọng đến mô hình điểm trong các cơ quan Đảng và hệ thống chính trị.

Tỉnh Gia Lai xác định một số định hướng lớn để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tiễn sau hợp nhất, tạo bước đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trên cơ sở các mô hình điểm, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ 119 nhiệm vụ trọng tâm gắn với Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đề án 06 và Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Trong đó, trọng tâm là 4 đề án lớn về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn-an ninh mạng, giáo dục STEM và Khu công nghệ thông tin tập trung, tạo nền tảng phát triển dài hạn cho tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm; phát triển Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học; tiếp tục phát huy vai trò của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá Khoa học… và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Một định hướng quan trọng khác là phát triển hạ tầng công nghệ số hiện đại, dung lượng cao, phủ sóng băng rộng và mạng 5G; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn… vào việc xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị thông minh. Triển khai Đề án kho dữ liệu số thông minh, mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cung cấp dữ liệu mở, tích hợp AI vào quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành và phục vụ người dân, DN.
Đặc biệt, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, mục tiêu đến năm 2030 tối thiểu 25% cán bộ cấp ủy các cấp có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, hướng đến xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, vận hành hiệu quả trên nền tảng số, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đồng bộ, toàn diện và bền vững…