Sau 3 năm, chiến cuộc Ukraine về đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (24.2) đánh dấu 3 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine và hai bên đã tạo ra thế giằng co liên tục trên chiến trường, nhưng gần đây có nhiều diễn biến bất ngờ do chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người chỉ vừa nhậm chức khoảng 1 tháng.

Theo CNN, ước tính sau 3 năm xảy ra xung đột, Ukraine đã bị mất khoảng 11% diện tích lãnh thổ.

Mỹ "quay xe" chính sách

Thế nhưng, khả năng lấy lại những vùng đất bị chiếm đóng đang trở nên khó khăn, thậm chí bất khả thi cho Ukraine. Bởi trên chiến trường, quân đội Nga đang lấn lướt, còn trên bàn đàm phán thì Ukraine đang ngày càng rơi vào thế khó bởi áp lực từ chính quyền của Tổng thống Trump.

Lược đồ các khu vực ở Ukraine đang bị Nga kiểm soát
Lược đồ các khu vực ở Ukraine đang bị Nga kiểm soát

Theo tờ The Washington Post dẫn nguồn từ một số quan chức ngoại giao các nước liên quan, Washington vừa kêu gọi Kyiv rút lại một nghị quyết thường niên tại LHQ lên án cuộc chiến của Nga. Dự kiến hôm nay (24.2), dưới sự bảo trợ của hàng chục quốc gia, Ukraine sẽ đệ trình nghị quyết vừa nêu lên Đại hội đồng LHQ nhằm lên án Nga nhân dịp 3 năm xung đột.

Thế nhưng, cuối tuần qua, Washington yêu cầu Kyiv phải rút lại nghị quyết và thay bằng một nghị quyết khác do Mỹ bảo trợ với nội dung kêu gọi chấm dứt xung đột mà không đề cập trách nhiệm của Nga. Đây là một diễn biến mới trong sự đảo chiều chính sách của Mỹ, bởi vốn dĩ suốt 3 năm qua, Washington luôn tiên phong trong việc đưa các nghị quyết lên án, trừng phạt Nga ở LHQ.

Vừa qua, Tổng thống Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về kế hoạch đình chiến cho xung đột Ukraine, nhưng gần như bỏ qua ý kiến của cả Kyiv lẫn châu Âu, gây ra cú sốc không nhỏ cho cựu lục địa. Trong đó, gần như Ukraine chẳng những mất các vùng đất bị Nga kiểm soát, mà còn không được đảm bảo an ninh bởi Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn ép Kyiv phải chia nguồn lợi khoáng sản nhằm thanh toán những viện trợ mà Mỹ dưới thời ông Joe Biden đã chuyển cho Ukraine.

Từ động cơ của ông Trump

Trả lời Thanh Niên vào hôm qua (23.2), một chuyên gia tình báo quân sự Mỹ, từng đứng đầu đơn vị tình báo NATO ở vùng Balkan, cho rằng ngày càng khó để phân tích tình hình chiến cuộc ở Ukraine.

Tổng thống Zelensky đang gặp thế khó trong thỏa thuận giữa Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Trump (phải)
Tổng thống Zelensky đang gặp thế khó trong thỏa thuận giữa Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Trump (phải)

Vị này đánh giá: "Rất khó để dự đoán và hiểu về động cơ của Tổng thống Trump, nhưng qua cách ông thể hiện thì có thể thấy phần nào chiến thuật đàm phán quen thuộc của ông. Đó là có những tuyên bố bất ngờ, rồi chuyển từ khen ngợi sang lăng mạ và ngược lại. Dường như, Tổng thống Trump tin rằng trong cuộc đàm phán, việc đòi hỏi nhiều hơn mức có thể sẽ mở ra cánh cửa để đạt được những gì tốt nhất có thể từ đối phương. Có thể, ông nghĩ khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và lăng mạ Tổng thống Zelensky sẽ giành được thiện chí từ Moscow, mặt khác cảnh báo Kyiv về sự phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ, nên cần làm nhiều hơn để hài lòng Washington nếu muốn tiếp tục được ủng hộ". Tất nhiên, điều vừa nêu cũng chỉ là một khả năng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia tình báo trên nhận định: "Có vẻ như Tổng thống Trump thay đổi chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến Ukraine cũng như với NATO vì 3 mục đích: Buộc các nước châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho quốc phòng của châu Âu và viện trợ cho Ukraine; Kết thúc chiến tranh và tìm cách chia cắt sự hợp tác giữa Nga với Trung Quốc; Đảm bảo một số nguồn lợi kinh tế trị giá hàng tỉ USD để thu hồi các khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine".

Từ đó, vị chuyên gia đặt ra một khả năng: "Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh tự nhiên. Miễn là Nga còn phụ thuộc vào Trung Quốc, thì Moscow khó có thể làm gì để duy trì quyền lợi và ảnh hưởng tại một số nước khác trong khu vực. Một số thành viên trong nhóm của Tổng thống Trump cho rằng việc gây chia rẽ giữa Bắc Kinh và Moscow sẽ phục vụ tốt hơn cho các mục tiêu và lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khu vực cần thiết "đầu tư" hơn là cam kết nhiều nguồn lực hơn cho quốc phòng của châu Âu".

Đến thế nan giải cho Ukraine

Cũng trả lời Thanh Niên hôm qua (23.2), GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá: "Cuộc chiến Ukraine đang ở thời điểm then chốt giữa sự kháng cự liên tục của Kyiv trước sự chiếm đóng của Moscow và một lệnh ngừng bắn mang tính ép buộc do Tổng thống Trump khởi xướng".

"Nỗ lực của Trump trong việc áp đặt một thỏa thuận ngừng bắn, mà Ukraine không đồng ý vì không được tham gia đàm phán, thì sẽ khó thành công. Để đạt được một giải pháp lâu dài, cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Ukraine", GS Sato phân tích và chỉ ra: "Mặt khác, khi Mỹ hướng đến lệnh ngừng bắn vì mục đích riêng (mà không cần tính đến giải pháp lâu dài), thì chẳng hề khó hiểu khi nước này tìm cách áp đặt đối với Ukraine, nhất là khi Kyiv đang trong tình thế sẵn sàng tiếp tục chiến đấu nhưng đang đối mặt với khả năng suy giảm mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Với kịch bản này, khi thỏa thuận được công bố thì chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ sụp đổ, dẫn đến một khoảng trống chính trị ở Ukraine - điều mà Nga sẽ khai thác để hưởng lợi".

Đánh giá thêm về tình hình các bên liên quan, GS Sato nhận định: "Ý chí của châu Âu đang bị thử thách nghiêm trọng bởi động thái của Nga và kiến hoạch ngoại giao "đổi chác" của Mỹ. Nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì gánh nặng sẽ dồn vào các thành viên châu Âu của NATO. Nến muốn thắt chặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, châu Âu cần có sự hợp tác từ các nước đang phát triển, điều mà châu Âu có thể phải tốn kém không hề ít".

Ông Trump gặp lãnh đạo Anh, Pháp tuần này

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay sẽ tiếp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, sau đó dự kiến gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 27.2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tiếp Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 17.2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tiếp Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 17.2

Theo báo The Guardian, trọng tâm chuyến thăm của 2 nhà lãnh đạo châu Âu đến Mỹ là nhằm thuyết phục ông Trump cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề đàm phán hòa bình xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Macron cảnh báo việc chấp nhận một thỏa thuận không như kỳ vọng sẽ khiến Ukraine thất thế, ngoài ra còn làm suy yếu hình ảnh của Mỹ trong mắt những đối thủ. Anh và Pháp cũng sẽ nỗ lực kêu gọi Mỹ đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi ký kết thỏa thuận.

Trong diễn biến khác, tỉ phú Elon Musk hôm qua đã bác bỏ thông tin từ Reuters nêu rằng Mỹ dọa cắt dịch vụ mạng vệ tinh Starlink (thuộc Công ty SpaceX của ông Musk) ở Ukraine nếu Kyiv không ký thỏa thuận khai thác khoáng sản với Washington. Hiện phần lớn chi phí để Starlink hoạt động tại Ukraine đang do Ba Lan tài trợ.

Bảo Hoàng

Theo Hoàng Đình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thời khắc quyết định đối đầu Nga - phương Tây, ông Trump muốn chấm dứt xung đột trong tuần tới

Thời khắc quyết định đối đầu Nga - phương Tây, ông Trump muốn chấm dứt xung đột trong tuần tới

(GLO)- Hãng thông tấn Pravda dẫn nguồn tình báo quốc phòng Ukraine cho biết: “Nga đang chuẩn bị tuyên bố giành chiến thắng trước Ukraine vào ngày 24/2, ngày đánh dấu ba năm kể từ khi xung đột bùng phát. Kế hoạch cũng có thể bao gồm tuyên bố chiến thắng của Nga trước NATO”.

Hungary bác ý tưởng Ukraine gia nhập NATO

Hungary bác ý tưởng Ukraine gia nhập NATO

(GLO)- Trước những động thái gần đây của Kiev, Tân hoa xã cho biết Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/2 đã lên tiếng phản đối Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẽ ngăn chặn Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu bước đi này làm ảnh hưởng đến Budapest.

Hàn Quốc tập trận trên đảo Baengnyeong và Yeonpyeong gần biên giới Triều Tiên

Hàn Quốc tập trận trên đảo Baengnyeong và Yeonpyeong gần biên giới Triều Tiên

(GLO)- Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 19/2 tuyên bố lực lượng thủy quân lục chiến đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại các đảo gần đường biên giới trên biển phía Tây để tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap.