Sáng sớm nay 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Hình ảnh áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 4 chụp qua vệ tinh. (Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương)

Hình ảnh áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 4 chụp qua vệ tinh. (Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương)

Sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão số 4 năm 2024. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Đến 16 giờ ngày 19/9 , bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/h trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; độ rủi ro thiên tai cấp 3. Khu vực chịu ảnh hưởng thuộc vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa); vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Đến 4 giờ ngày 20/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h, suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực trung Lào, sức gió mạnh nhất của vùng áp thấp là dưới cấp 6.

Khu vực chịu ảnh hưởng thuộc vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Nam (bao gồm đảo Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau; phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trên đất liền, từ sáng 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7; đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh phía trước hoàn lưu bão.

Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.

Về tình hình mưa lớn, từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm; đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị-Đà Nẵng trong ngày 19/9.

Ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.

Theo Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm