Sang năm 2024, kỷ lục FDI trong năm 2023 có được lập lại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2023, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta đạt 36,6 tỉ USD trong lúc kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn, kỷ lục này được kỳ vọng tiếp diễn trong 2024.

Theo Sách Trắng 2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất.

Đáng chú ý, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.



Theo các chuyên gia, Việt Nam được ví như ngôi sao đang lên trong thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, Việt Nam được ví như ngôi sao đang lên trong thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Niềm tin kỷ lục được tái lập

Bối cảnh này khiến các chuyên gia nhận định, kỳ vọng về kỷ lục FDI trong năm 2023 được lập lại trong năm 2024 là rất khả quan.

Phân tích với VTC News, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Việt Nam được ví như ngôi sao đang lên trong thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ cao, có sức hút lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư tại châu Á.

Sức hút của Việt Nam không chỉ đến từ sự ổn định về chính trị, lợi thế chi phí nhân công rẻ, khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong cơn biến động toàn cầu, tăng trưởng kinh tế có triển vọng với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân mà còn được bồi đắp bởi những hiệu ứng lớn đến từ những kết quả nổi bật trong quan hệ ngoại giao với các đối tác lớn diễn ra trong năm 2023.

“Năm 2024, nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới sáng sủa hơn nên việc thu hút vốn FDI đối với Việt Nam theo đó có nhiều thuận lợi. Tuy vậy, để thu hút “đại bàng” đến Việt Nam thì chúng ta phải cải thiện chính sách đầu tư, trong đó có thủ tục hành chính, chính sách đất đai…để tăng sức hấp dẫn. Ngoài ra, nguồn lực lao động cũng cần phải được nâng cao chất lượng", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều triển vọng và lợi thế trong cạnh tranh thu hút FDI với những yếu tố nền tảng như: Sự ổn định chính trị, vị trí địa lí và cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có mức tăng trưởng cao; quy mô dân số tăng nhanh và đội ngũ nhân lực đang được cải thiện về chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, môi trường kinh tế đối ngoại của Việt Nam đang được cải thiện tích cực.

Ông Phong dự báo, bước sang năm 2024 Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định là một trong những lựa chọn hấp dẫn trong khu vực đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất có sự đột phá trong năm 2023 tiếp tục mang lại nhiều hy vọng cho Việt Nam.

Ông Phong cũng đưa ra dẫn chứng: Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2023 của EuroCham trong quý IV/2023 đã tăng lên 46,3 điểm, ghi nhận xu hướng niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

“Vấn đề quan trọng là chúng ta phải “xây tổ cho đại bàng”, trong đó phải xây dựng bằng được những khu công nghiệp chuyên về các lĩnh vực xanh chứ không phải là những khu công nghiệp theo kiểu cũ. Đồng thời phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ, hướng tới những doanh nghiệp, lĩnh vực mà chúng ta đang có xu hướng phát triển”, ông Phong nói.

Những tín hiệu vui đầu năm

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh.

Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2024, 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Đồng thời, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.



Trong tháng 1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Trong tháng 1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xét theo đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).

Để tăng cường thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.