Sách giáo khoa Toán lớp 2, lớp 6 có những điểm gì mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyển từ dạy học truyền thống sang dạy học phát triển năng lực học sinh, đồng thời giảm tải nội dung phù hợp là những điểm mới của sách giáo khoa môn Toán lớp 2 và lớp 6.

Sách giáo khoa môn Toán lớp 6 - bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế
Sách giáo khoa môn Toán lớp 6 - bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế
Đưa thực tiễn vào trong bài giảng
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có thay đổi căn bản, chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, nội dụng tinh giản, gắn với thực tiễn.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa (SGK) không còn là “pháp lệnh”, là duy nhất, thể hiện đồng nhất trên toàn quốc, mà chỉ là một trong số tài liệu dạy học trong nhà trường.
Nhấn mạnh tinh thần này, GS-TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều - khẳng định, khi viết SGK mới, các tác giả đều phải bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông, gắn thực tiễn đời sống, thực tiễn nhà trường, thực tiễn dạy và học của thầy cô vào từng bài học trong SGK mới.
Chẳng hạn, với SGK Toán lớp 2 và lớp 6 - bộ Cánh Diều, các bài học đều gắn với tình huống thực tế, chuyển từ dạy học sinh làm sang học sinh tự làm, để tìm ra được năng lực của bản thân.
"Nhưng tác giả phải quan tâm đến việc làm sao để học sinh có thể biết và tự làm? Từ đó giúp học sinh tự mình khám phá, tự mình kiến tạo nên tri thức. Đặc biệt phải biết vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn" - GS Thái nhấn mạnh.
Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều cũng cho biết, trẻ ở độ tuổi này khó tập trung, thiếu kiên nhẫn để có thể tự mày mò, nên dạy học phát triển năng lực càng khó hơn. Vì vậy, sách giáo khoa môn Toán mới đòi hỏi mỗi tiết học phải có thời gian thích đáng dành cho học sinh tự học, tự làm, tự kiến tạo kiến thức dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, từ đó phát huy tối đa năng lực.

GS-TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều. Ảnh: Tô Thế
GS-TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều. Ảnh: Tô Thế
Đổi mới về nội dung và cấu trúc bài học
Tiếp nối triết lý của sách giáo khoa Toán lớp 1, sách giáo khoa Toán lớp 2 và lớp 6 sẽ đổi mới về nội dung và cấu trúc bài học. Từ đó cho phép thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời thực hiện được mục tiêu dạy học phát triển năng lực Toán học cho học sinh.
Để thực hiện hóa việc này, đội ngũ tác giả đã thực hiện giảm tải chương trình. Theo đó, nội dung đưa vào sách được lựa chọn cẩn thận về cả phương diện sư phạm Toán học và chắt lọc những kiến thức cốt lõi nhất.
Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh diều cũng thông tin, sách giáo khoa Toán lớp 6 mới có khoảng 300 bài tập, giảm 50% số lượng bài tập so với sách giáo khoa hiện hành.
"Chỉ với nội dung tinh giản thì mới cho phép thầy cô dạy học phát triển năng lực toán học cho học sinh trong từng tiết học. Đồng thời vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt mà chương trình quy định" - GS Thái nhấn mạnh.
Trước những thành công của sách giáo khoa Toán lớp 1 đã đạt được, GS Thái cũng tin rằng với một tập thể tác giả có kinh nghiệm sư phạm, có trình độ chuyên môn cao thì chương trình sách giáo khoa Toán lớp 2, lớp 6 - bộ Cánh Diều sẽ là sự lựa chọn tốt với thầy cô và học sinh.
HOÀNG BIÊN – VIỆT TRINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.