(GLO)- Ở tuổi 65, ông R'Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn, tập luyện đánh cồng chiêng và tạc tượng để gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
“Thổi hồn” vào gỗ
Giữa một góc sân, ông Hmyơk đang chăm chú, tỉ mẩn từng nét khắc để tạo ra bức tượng người phụ nữ bồng con. Chỉ bằng những dụng cụ đơn giản như dao và rìu cùng tấm gỗ mít, ông Hmyơk đã nhanh chóng tạc nên tác phẩm tuyệt đẹp. Ông Hmyơk chia sẻ, bắt đầu từ năm 1997, ông dành khá nhiều thời gian cho việc tạc tượng. Từ đó đến nay, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, ông đã “thổi hồn” vào những tấm gỗ và tạc nên nhiều bức tượng ở các thể loại khác nhau.
|
Với ông Hmyơk, cồng chiêng là tài sản quý của dân tộc cần phải được gìn giữ. Ảnh: H.T |
Cũng theo ông Hmyơk, để tạo nên những bức tượng gỗ đẹp, có hồn, người tạc tượng cần bỏ nhiều thời gian để tập trung đục đẽo, kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường chạm khắc. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là đa phần những người biết tạc tượng trong làng thì hầu hết tuổi đã cao, già yếu. Trong khi đó, lớp trẻ thì hầu như không mặn mà với việc này. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu để tạc tượng ngày càng khan hiếm nên hoạt động tạc tượng giảm hẳn. “Cứ có dịp tập hợp được thanh niên trong làng, mình lại nhắc nhở chúng chăm chỉ học tạc tượng. Mình kiếm thân cây mít về đục đẽo rồi đem ra tạc cho chúng xem để chúng học hỏi và sau này còn thay người già gìn giữ truyền thống tạc tượng của dân tộc mình”-ông Hmyơk chia sẻ.
Giữ tiếng cồng chiêng cho mai sau
Ông Đào Lai-Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ: “Ông R'Cơm Hmyơk là một trong những già làng uy tín của xã. Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm chỉ lao động, chấp hành tốt quy định của pháp luật, ông Hmyơk còn truyền dạy cho con cháu đánh cồng chiêng, tạc tượng”. |
Không chỉ tạc tượng giỏi, ông Hmyơk còn được nhiều người biết đến bởi tài nghệ đánh chiêng và tâm huyết với việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Hiện ông vẫn còn giữ được 2 bộ chiêng quý do ông bà để lại, gồm 15 chiếc. 2 bộ cồng chiêng này được ông cất giữ cẩn thận trong nhà và chỉ sử dụng khi dân làng có lễ hội. “Gần đây, có khá nhiều người đến trả giá cao để mua nhưng mình nhất định không bán. Cồng chiêng là nét đẹp truyền thống của dân tộc và được ông bà gìn giữ nên mình cũng phải có trách nhiệm tiếp nối, gìn giữ”-ông Hmyơk bày tỏ.
Không những thế, ông Hmyơk còn là thành viên chính trong đội cồng chiêng của làng. Vào các dịp lễ hội, đội cồng chiêng của làng tham gia biểu diễn tại một số nhà hàng để quảng bá về văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, mỗi khi làng tổ chức các lễ hội, ông cùng với các thành viên trong đội lại tập đánh cồng chiêng cho lớp trẻ. Vào các buổi tối, ông cũng tranh thủ đi tuyên truyền về tầm quan trọng của cồng chiêng và vận động thanh niên tham gia tập đánh cồng chiêng. Là một trong những người được ông Hmyơk truyền dạy cách đánh chiêng, em Xuân cho biết: “Từ khi tham gia các buổi tập đánh cồng chiêng do ông Hmyơk dạy, em hiểu hơn về tầm quan trọng của cồng chiêng và thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc luyện tập để gìn giữ cồng chiêng. Hiện tại, nhiều bạn trẻ trong làng được ông Hmyơk chỉ dạy cũng đã biết đánh chiêng như em, còn con gái cũng đã biết múa xoang”.
Ở cái tuổi đã qua bên kia dốc cuộc đời nhưng ông R'Cơm Hmyơk vẫn luôn nhiệt tình trong việc tuyên truyền, chỉ dạy cho người dân trong làng biết và gìn giữ nghệ thuật tạc tượng cũng như nghệ thuật đánh cồng chiêng. Việc làm của ông đã phần nào góp sức cùng địa phương gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của người dân Jrai.
HỒNG THƯƠNG