Làng cồng chiêng giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một ngôi làng Bahnar ở huyện Kbang, Gia Lai mà hầu như ai cũng biết đánh chiêng; hơn 90% dân số trong làng từ già đến trẻ, đàn ông lẫn đàn bà đều chơi thành thạo nhiều bài chiêng. Đó là làng Leng (xã Tơ Tung). Tuy chỉ có 71 hộ nhưng làng duy trì đến 3 đội cồng chiêng tham gia nhiều hoạt động văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh.

 

Tìm lại tiếng cồng, tiếng chiêng

Những năm sau 1975, nhiều bộ cồng chiêng trong làng Leng bị thất lạc, số người biết đánh cồng chiêng ngày một “rơi rụng” dần; người trẻ lại không đam mê học hỏi khiến các lễ hội làng thưa dần tiếng cồng chiêng. Từ một hoạt động văn hóa gần gũi với đời sống sinh hoạt như cơm ăn, nước uống hàng ngày, văn hóa cồng chiêng ở ngôi làng này đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Quyết tâm gầy dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của làng, Đinh Plih-chàng trai đam mê chiêng từ nhỏ đã tìm đến già làng và những người có uy tín trình bày kế hoạch khôi phục lại tiếng cồng, tiếng chiêng. Trước mắt là tập luyện để biểu diễn phục vụ các hoạt động, lễ hội của làng như: mừng lúa mới, bỏ mả…

Được sự ủng hộ của những người có uy tín, năm 2009, Plih đứng ra vận động các nghệ nhân trong làng tham gia dạy cồng chiêng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bắt đầu từ việc nhỏ nhất, đó là tập trung dân làng tại nhà rông để cảm nhận âm thanh rộn rã của cồng chiêng, tạo thành thói quen để họ từng bước tiếp cận rồi mới hướng dẫn, phát huy tính tự giác trong luyện tập. Trẻ con thấy người lớn tập luyện, lúc đầu ngơ ngác nhìn, lâu ngày cũng tập tành chơi, lâu dần thành quen rồi đánh được và chơi ngày càng hay. “Một khi niềm đam mê tiềm tàng được khơi dậy, họ như bếp lửa được cơi than hồng nên hăng say tập luyện, sẵn sàng cho các hoạt động biểu diễn khi có nhu cầu. Từ một vài người, một tốp người, phong trào lan tỏa ra cả làng, giờ ai trong làng cũng chơi được các bài chiêng”-anh Plih tự hào nói.

Chị Đinh Thị Khop (giữa)-Đội trưởng đội cồng chiêng nữ làng Leng tham gia góp ý, hướng dẫn cho các chị em trong đội để âm thanh tiếng chiêng được hay hơn Ảnh: M.N
Chị Đinh Thị Khop (giữa)-Đội trưởng đội cồng chiêng nữ làng Leng tham gia góp ý, hướng dẫn cho các chị em trong đội để âm thanh tiếng chiêng được hay hơn. Ảnh: M.N



Không cưỡng lại được tiếng cồng chiêng thúc giục, chị Đinh Thị Khop tìm đến nhà rông tham gia học đánh cồng chiêng. Nhờ tập luyện chăm chỉ và được già làng truyền đạt tận tình, chỉ mất hơn 1 năm chị đã đánh thành thạo các bài chiêng. Mỗi chiều đi rẫy về, tranh thủ lo cơm nước cho chồng con xong là chị lại chạy ngay ra nhà rông tập luyện. Chị cho biết, để tiếng chiêng ngày càng vang xa thì những người trong đội phải hiểu tâm ý của nhau, cùng đồng điệu hòa nhịp. Chính vì vậy, mỗi khi chị Đinh Thị Hmet-một thành viên trong đội chiêng nữ-đánh lạc nhịp là các chị em trong đội đều hướng dẫn giúp chị dần tiến bộ. Hiện chị Hmet đã tự tin biểu diễn, không còn e dè như trước nữa. “Sau những lần cùng sinh hoạt, biểu diễn, tình cảm giữa các chị em trong đội càng thêm khăng khít, tiếng cồng, tiếng chiêng vì thế ngày một hay hơn”-chị Khop chia sẻ.

Cũng bị tiếng cồng chiêng cuốn hút, em Đinh Môn chỉ mới 15 tuổi nhưng đã có hơn 7 năm kinh nghiệm biểu diễn cồng chiêng tại các kỳ lễ hội lớn. Em đã được chọn là chỉ huy của đội cồng chiêng trẻ làng Leng với hơn 40 thành viên. Đinh Môn rất sáng dạ, tiếp thu nhanh và có năng khiếu tập hợp khiến nhiều anh trong đội tuy lớn tuổi hơn nhưng đều nể phục. Để duy trì việc luyện tập thường xuyên cho các thành viên trong đội, Đinh Môn còn mang sách vở đến nhà rông tranh thủ thời gian dừng tập giữa giờ để học bài. Ngoài tập luyện định kỳ 1 tuần/lần, Đinh Môn còn tập hợp các thành viên đến nhà rông tập luyện mỗi khi có sự kiện văn hóa, hoạt động lễ hội. Đôi khi cả đội phải tập luyện ròng rã gần 10 ngày mới thuần thục một bài chiêng mới để biểu diễn.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Theo Đội trưởng đội cồng chiêng nữ làng Leng Đinh Thị Khop, việc tập luyện vào mỗi tối các chị có thể tranh thủ được, nhưng ngại nhất là mỗi lần đi biểu diễn xa, lúc thì dăm bữa, 10 ngày nhưng cũng có khi kéo dài đến nửa tháng. Những lúc như thế, chị em trong đội không những động viên nhau mà còn phải tìm cách thuyết phục chồng ở nhà chăm lo con cái, lo việc đồng áng để “tiếp lửa” cho chị em yên tâm biểu diễn. Khó khăn nhất là với những chị có con nhỏ, vừa chăm con vừa luyện tập, đôi khi còn địu cả con theo. “Với chị em chúng tôi, tham gia biểu diễn cồng chiêng là niềm vui vì được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp những bài chiêng của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Đây mới là vấn đề quan trọng mà đội chiêng nữ chúng tôi hướng đến, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”-chị Khop vui vẻ nói.

Đội cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung) tham gia tập luyện. Ảnh: M.N
Đội cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung) tham gia tập luyện. Ảnh: M.N

Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang: “Làng Leng là một trong những làng Bahnar trên địa bàn huyện còn lưu giữ và bảo tồn rất tốt các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là cồng chiêng. Làng có 71 hộ, 334 khẩu nhưng có gần 30 bộ cồng chiêng. Không có làng nào đặc biệt như làng Leng, từ già đến trẻ hầu như ai cũng đều biết đánh chiêng, cùng tham gia hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương mình”.

Để động viên dân làng vượt khó, gắn bó hơn với cồng chiêng nên sau mỗi lần các đội tham gia biểu diễn, anh Plih đều trích ra một phần kinh phí được hỗ trợ để gây quỹ. Bắt đầu năm 2000, anh trích quỹ mua 1 con bò mẹ giao cho hộ khó khăn nhất trong làng nuôi. Đến nay, nguồn quỹ này đã giúp 16 hộ có bò nuôi. Anh Plih cho hay, sắp tới anh sẽ trích 50 triệu đồng từ nguồn quỹ này để mua thêm bộ chiêng chung cho làng. Bởi số cồng chiêng tập trung tại nhà rông là của nhiều hộ đem đến phục vụ việc tập luyện và trình diễn, mỗi lần đi lưu diễn phải mượn của từng người rất bất tiện.

Để hoạt động cồng chiêng ngày càng gắn kết cộng đồng, anh Plih còn bày tỏ mong muốn xây dựng một ngôi làng văn hóa truyền thống của người Bahnar tại khu đất hơn 1 ha của làng. Đây là nơi đào tạo bài bản cồng chiêng cho thế hệ trẻ, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khác như: tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực… phục vụ du khách. Đáng chú ý, làng Leng hiện có 11 nghệ nhân đang “di cư” tạm thời đến Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu Du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội)-nơi tái hiện, gìn giữ và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên khắp đất nước. Tại đây, các nghệ nhân đánh cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tái hiện các lễ hội truyền thống vào những ngày hội nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm, khám phá nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc của du khách. “Sắp tới, nếu bố trí được kinh phí, chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm truyền thống của người địa phương ra đó để quảng bá, phục vụ du khách”-anh Plih cho biết.

Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao để thường xuyên tạo ra môi trường diễn xướng cồng chiêng, từ đó duy trì và phát huy phong trào. Từ năm 2016, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, trong đó có việc bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân đánh chiêng và chỉnh chiêng. Thế nhưng, kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân không nhiều, thù lao không có. Với nguồn vốn khá ít ỏi (khoảng 764 triệu đồng chia ra thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020), Phòng đã nỗ lực trong công tác bảo tồn như: tổ chức các đợt liên hoan, hội thi, hỗ trợ cho nghệ nhân để truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng; mua sắm cồng chiêng cho các làng. Thời gian tới, ngoài tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, huyện sẽ triển khai các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, sưu tầm các bài chiêng cổ, bài chiêng phục vụ lễ hội... “Huyện định hướng, khuyến khích đội cồng chiêng ở các làng tham gia làm dịch vụ phục vụ khách du lịch để có thêm kinh phí duy trì hoạt động. Đồng thời, đưa cồng chiêng vào các trường học bán trú tập trung, mua sắm cồng chiêng, hỗ trợ công tác giảng dạy để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa này tốt hơn”-ông Chi nhấn mạnh.

 MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.