9 triệu đồng không phải là khoản tiền cho riêng một bữa hải sản mà bao gồm cả khoản tiền phạt sau khi khách hàng tố cáo sai sự thật lên mạng xã hội.
Chuyện tưởng không thật mà lại thật đến… không tưởng. Một người ở Cà Mau vào quán hải sản để ăn uống. Sau bữa ăn, người này tố cáo trên tài khoản Facebook quán ăn tính giá “cắt cổ” lên đến 2,5 triệu đồng.
Cơ quan chức năng vào cuộc thì hoá ra vị khách kia chỉ phải trả 1,2 triệu đồng. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vị khách trên với số tiền 7,5 triệu đồng vì thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tới nhà hàng và ngành du lịch Cà Mau.
Một bài học đắt giá theo đúng nghĩa đen nhưng rất điển hình cho việc sử dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thông tin sai sự thật hiện nay chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới. Về việc bóc gỡ thông tin sai sự thật, Bộ trưởng cho biết, trước năm 2018, các cơ quan chỉ thực hiện gỡ 5.000 tin, video, nhưng đến nay, thông tin sai sự thật được tháo gỡ đã là 20.000 tin.
Con số này thực tế vẫn là rất nhỏ so với lượng thông tin sai sự thật, xấu độc tồn tại hàng giờ, hàng ngày trên mạng xã hội.
Đó là một lượng rác khổng lồ và dù Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia có thể phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật có khả năng xử lý 300 triệu tin/ngày thì chưa chắc đã “dọn hết rác”.
Rất nhiều trường hợp bị phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, thậm chí, không ít cá nhân đã bị xử lý hình sự vì thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Làm thế nào để không còn những bữa ăn “đắt giá” vì kèm theo cả tiền phạt hành chính? Làm thế nào để người dân không bị những hoang tin gây xáo trộn cuộc sống? Làm thế nào để mạng xã hội không còn là môi trường màu mỡ để các đối tượng lừa đảo, trục lợi…
Tăng cường xử lý bằng vi phạm hành chính, tăng cường các công cụ “quét rác” là cần thiết nhưng để có một môi trường mạng xã hội lành mạnh, văn minh thì yếu tố quyết định là là ý thức của chính những người tham gia mạng xã hội.
"Việc dọn rác không chỉ là việc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an mà còn của tất cả bộ, ngành địa phương và nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định như vậy.
Ở đây, người dân đóng vai trò then chốt, quyết định để không còn những thứ rác trôi nổi trên không gian mạng.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/rac-mang-va-bua-com-phai-tra-them-75-trieu-dong-1079207.ldo
Theo Hoàng Lâm (LĐO)