Quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa kết trái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng với việc ký kết 14 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp 2 nước tiếp tục thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới cho thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Lào trong quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chuyến thăm là sự tiếp nối các hoạt động gìn giữ, vun đắp cho quan hệ giữa 2 Đảng, 2 nước đã phát triển, càng phát triển hơn nữa; đã hiệu quả, càng hiệu quả hơn nữa.   
Thật vậy, trên thế giới, hiếm thấy ở đâu có mối quan hệ đặc biệt như 2 nước Việt Nam và Lào. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay, 2 Đảng, 2 Nhà nước và Nhân dân 2 nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình chí nghĩa; coi đây là quy luật phát triển, có tính chất sống còn và là một trong những nhân tố quyết định đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước. Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại đó được thể hiện sinh động bằng các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục-đào tạo, thương mại, đầu tư…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại buổi hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại buổi hội đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hiện Việt Nam có 209 dự án tại Lào còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào, chủ yếu là trên các lĩnh vực quan trọng như: tài chính-ngân hàng, năng lượng, viễn thông, nông-lâm nghiệp, khai thác khoáng sản... Nhiều dự án đang được triển khai tốt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào và cải thiện đời sống của người dân ở địa phương.
Có thể đơn cử như Công ty Unitel (giữa Viettel và Chính phủ Lào) sau 12 năm hoạt động đã trở thành nhà mạng số 1 tại Lào với 57% thị phần, tạo việc làm cho hơn 25 ngàn lao động Lào. Nếu như trước đây Lào là một trong những “vùng trắng viễn thông” thì kể từ khi Unitel có mặt, số lượng người dân tiếp cận với điện thoại di động đã tăng 6 lần (từ 18% lên 100%). Viễn thông đã phủ sóng khắp đất nước, trong đó, Unitel đã đóng góp hạ tầng mạng lưới lớn nhất, phủ sóng tới 100% các huyện của Lào, sóng 4G phủ tới 70%. Unitel đã đưa Lào trở thành một trong những nước có hạ tầng viễn thông lớn và sâu rộng nhất trong khu vực ASEAN với vùng phủ và tốc độ 4G tốt nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn có thể kể đến siêu dự án 500 triệu USD của Vinamilk xây dựng Resort nuôi bò sữa tại Xiêng Khoảng, Dự án thủy điện Xekamản 1, Dự án đường dây tải điện từ Xekamản về Pleiku… Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào cũng luôn đồng hành với Chính phủ và Nhân dân Lào khi triển khai nhiều chương trình, dự án an sinh xã hội đạt xấp xỉ 71 triệu USD, chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà ở cho người nghèo vùng sâu, vùng xa. Đây là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện, thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn cho Nhân dân 2 nước.
Điều đáng nói là mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đã và đang được triển khai đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp, nhất là các tỉnh giáp biên. Trong đó, sự tiên phong của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với các dự án trồng cao su, cây ăn quả, thủy điện… ở các tỉnh Nam Lào như Attapeu, Champasak… nay có thêm sự trợ sức của Tập đoàn THACO, đang dần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín của mô hình trồng trọt quy mô lớn, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật giúp nông dân Lào cùng phát triển nông nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD/năm, khi đứng chân trên cao nguyên Boloven, nơi có tiềm năng rất lớn về đất đai, khí hậu, phù hợp với các loại cây hàng hóa giá trị cao; thành hướng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có ý định mở rộng đầu tư sang Lào.
Năm 2022 đã được chọn là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” để thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Hy vọng các hoạt động hợp tác đầu tư giữa 2 nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tiếp tục đơm hoa kết trái; xứng tầm với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và Nhân dân 2 nước.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.