"Alô, ông Thanh!"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

28 năm qua, bất kể ngày đêm, lễ, Tết, hễ có cuộc gọi đến là ông Vương Văn Thanh tức tốc lên đường trợ giúp những nạn nhân bị tai nạn giao thông.

"Tôi là một người lính, từng vào sinh ra tử ở khắp các chiến trường. Tôi làm công việc này không phải để nhận được vàng, bạc hay những lời khen, mà chỉ muốn trả ơn cuộc đời" - ông Vương Văn Thanh (71 tuổi; số 30A, tổ 8, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) tâm sự.

28 năm cứu nạn

Ông Thanh nói bây giờ có quá nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà không phải nạn nhân nào cũng được phát hiện hoặc cấp cứu kịp thời. Nhẹ thì mất tay, chân, tổn thương ở vùng mặt. Nặng thì bị chấn thương sọ não hoặc chết ngay tức thì, không còn được gặp lại người thân. "Những cảnh tượng đó cứ đêm đêm trở về ám ảnh trong giấc ngủ tôi mãi, nên tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó, cứu giúp những cuộc đời vượt qua ranh giới sống chết, đồng thời cũng giúp cho lòng mình thanh thản" - ông nói.

28 năm, ông Thanh đang cùng vợ và cháu gái làm một công việc đáng trân trọng là cứu thương những người bị nạn trên các tuyến quốc lộ. Bất kể ngày đêm, lễ, Tết, hễ có cuộc gọi đến là ông Thanh tức tốc lên đường trợ giúp những nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Ông Thanh từng lái xe cứu thương, trực tiếp tham gia Đoàn 44, Đội Xung kích của Bộ Giao thông Vận tải. Cuộc đời người lái xe gắn với các tuyến đường dài, ông từng chứng kiến nhiều cảnh hãi hùng của chiến tranh. Nhất là những ngày cuối năm 1972, không quân Mỹ đưa "pháo đài bay B52" tập kích Hà Nội trong 12 ngày đêm. Cả khu phố Bạch Mai, Hà Nội bị bom đánh tan hoang. Những trận bom vừa dứt, ông Thanh cùng các đồng đội xông vào những khu nhà đổ nát, vừa tìm người vừa đưa nạn nhân đi cấp cứu.


 

Ông Vương Văn Thanh
Ông Vương Văn Thanh



Đến năm 1990, ông xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Ông mua xe khách chạy tuyến Xuân Mai - Hà Đông (Hà Nội). Mấy chục năm làm nghề, đi khắp đó đây, ông nhìn lại cả thị trấn không có một xe cấp cứu. Vì vậy, năm 1994, ông quyết định đăng ký chuyển hẳn sang hoạt động cứu thương, phối hợp với các bệnh viện và lực lượng công an địa phương cùng cứu người bị nạn. Ông đã sắm 2 chiếc xe cứu thương, một chiếc dùng chở nạn nhân tử vong, một chiếc dùng chở người bị tai nạn tới các bệnh viện. Có người sau khi được cứu, họ quay lại cảm ơn, biếu chút quà; có người lặng lẽ quay đi không bao giờ trở lại.

"Tôi tiến hành sơ cấp cứu rồi chở họ đến bệnh viện, nhiều trường hợp tôi không biết họ là ai, làm nghề gì, có khi cũng không có cơ hội được gặp lại họ lần thứ hai trong đời. Hầu hết những người được tôi cứu sống là người có hoàn cảnh khó khăn nên dù họ có trả công, tôi cũng không lấy. Tôi cũng đã luống tuổi rồi, làm được gì cho cuộc đời thì làm" - ông Thanh cho biết.

Không dám đi đâu, lỡ có người cần lại không có mặt

Cả vạn ngày làm nghề, chẳng có đêm nào ông được ngủ yên, luôn là những chuyến đi bất ngờ. Nhưng trải qua 28 năm làm công việc cứu người, ông đã trở nên dạn dĩ với việc chở tử thi, giúp cơ quan chức năng "gom" từng bộ phận thi thể nạn nhân, khâm liệm tử tế. Đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu người đi cấp cứu, ông chỉ biết kể cả ngày lễ, Tết cũng đưa người tới bệnh viện, không tai nạn thì cũng ốm đau, bệnh tật. Có người còn lưu số điện thoại của ông, đề phòng trường hợp cần kíp. Thậm chí cả công an địa phương, khi phát hiện tai nạn, việc đầu tiên là họ sẽ gọi cho ông.

"Nhà tôi lúc nào cũng có người túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lái xe khi có người cần giúp đỡ. Tôi nghĩ, trong lúc khó khăn, họ cần đến mình, nên tôi không dám đi đâu, dù chỉ là một chuyến du lịch đầm ấm cùng gia đình" - ông Thanh tâm sự. Có hôm, 24 giờ, nhận cuộc gọi, cả gia đình phải thức dậy, lên đường đi ứng cứu.


 

 Ông Vương Văn Thanh bên chiếc xe cứu thương để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: VTV - MINH PHÚC
Ông Vương Văn Thanh bên chiếc xe cứu thương để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: VTV - MINH PHÚC


"Tôi thương ông nhà tôi lắm, có tuổi rồi mà phải làm công việc nặng nhọc. Ngày thường không nói làm gì nhưng vào ngày đông, mưa giông gió bấc, ông vẫn phải nằm túc trực bên thi thể nạn nhân. Lúc ấy, tôi chỉ biết động viên ông ấy vượt qua khó khăn, tiếp tục gắng sức vì cái việc hữu ích này thôi" - bà Nguyễn Lê Hằng, vợ ông, rưng rưng chia sẻ.

Còn rất nhiều chuyện đời ngang trái khiến ông day dứt, chán nản, bởi đã có những người nghi ngờ lòng tốt của ông, họ gọi ông là "ông điên", "xe điên". Ông mở chiếc ví cho chúng tôi xem những xấp giấy tờ tùy thân của các nạn nhân được ông cứu giúp trong suốt mấy chục năm qua. Có người sau khi bình phục quay lại cảm ơn, xin lại giấy tờ; có người nay đã mồ yên mả đẹp nhưng tất cả những giấy tờ đó đều được ông Thanh cất giữ cẩn thận.

"Đã mang lấy nghiệp vào thân rồi, tôi chỉ còn biết làm cho hết sức. Ai bị nạn ở đâu, tôi sẽ chở đến cơ sở y tế gần nhất chữa trị. Từ ngày làm nghề đến nay, tính sơ sơ cũng còn 3 nạn nhân chưa tìm thấy thân nhân, gia đình".

Ước mơ giản dị

Ông Thanh nhớ lại: "Hôm ấy, tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) có xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc. Nạn nhân là một thanh niên, quê dưới mạn Phú Minh, bỏ đi lang thang lên vùng này thì bị một chiếc xe tải cán chết trong đêm, phải mấy ngày sau mới phát hiện được. Thi thể của anh ta đã không còn nhận dạng được nữa".

Sau 3 ngày 3 đêm, không thấy gia đình nạn nhân đến nhận, ông đã cùng với lãnh đạo địa phương tìm nơi an nghỉ cho nạn nhân. "Người ta đi qua đi lại cứ nói ông bỏ quan tài ở đấy chứ sao phải ngồi canh cho khổ vậy, việc của nhà ông đâu mà ông lo làm gì cho mệt. Nhưng tôi nghĩ, mình đã giúp ai thì giúp đến cùng chứ giữa trời giá rét, vứt quan tài bên đường, nghĩ cũng tội. Sau đó tôi có nhờ người bạn ở Văn Điển xin được một khu đất, xây cho nạn nhân nấm mồ" - ông Thanh kể.

Vừa nhìn về chiếc xe cứu thương - phương tiện duy nhất trong các cuộc ứng cứu - ông vừa thở dài: "Bây giờ tôi cũng đã có tuổi, sau này không biết lấy ai là người kế nghiệp...".

Chợt từ trong nhà có tiếng một cô gái với gương mặt sáng sủa, dáng vẻ hoạt bát, giọng nói đầy khí khái: "Con sẽ là người kế nghiệp ông". Đó là em Vương Xuân Mai, cháu gái nuôi, được ông nhặt về trong một lần đi làm nhiệm vụ. Hằng ngày, ngoài việc đi học, Mai vẫn cùng ông Thanh rảo trên các giao lộ để cứu người. Mai bảo hồi đầu nhìn các thi thể đầy máu me, em sợ lắm. Nhưng sau khi nghe ông nói về ý nghĩa của công việc, em cũng bớt đi phần sợ hãi, giờ thì em đã thành thạo.

Dù nghề nguy hiểm nhưng chưa bao giờ trong ông Vương Văn Thanh bớt đi ngọn lửa nhiệt tình với nghiệp cứu giúp nạn nhân. Tự ông ghép cho mình trách nhiệm, phải giúp đỡ những cuộc đời khác, để không bao giờ còn gặp lại những cái chết thương tâm, như lời đã hứa. "Tôi trăn trở lắm, hiện nay hằng ngày, hằng giờ đều có các vụ tai nạn xảy ra mà không phải ai cũng được cứu giúp kịp thời. Giá mà bây giờ trên tuyến đường nào cũng có các trạm xe cứu thương hoặc xe cứu thương di động, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố thì tốt biết mấy. Tôi ước thế không biết có quá không, anh nhỉ?".

Quá nửa cuộc đời làm nghề, những cảnh tượng hãi hùng nhất không còn là điều ám ảnh ông Thanh nữa. Thế nhưng, ông vẫn phải đối mặt với nguy hiểm, có khi còn đánh đổi bằng tính mạng. Đó là những lần ông chở những nạn nhân bị HIV/AIDS, bị nghiện ma túy đá. Một lần, ông chở một nạn nhân bị “chết lâm sàng” trong một vụ ẩu đả. Trên đường đến bệnh viện, đột nhiên ông nghe tiếng nói: “Dừng xe lại, không tao cắt cổ mày bây giờ”, ông giật mình quay lại thì một lưỡi dao sắc lẹm đang kề cạnh cổ. Lúc ấy ông vừa cho xe đi chậm lại vừa nói: “Tôi thấy anh bị thương, tôi đưa anh đến bệnh viện cứu chữa, cớ gì mà anh đòi giết tôi”. Sau đó hắn ta nhảy xuống xe, tay vẫn lăm lăm con dao, đi mất hút vào trong các khu dân cư đông đúc. Ông bị một phen hú vía.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 


Theo VŨ MINH PHÚC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.