Gượng dậy để sống: Anh phụ hồ khuyết tật 'gánh' ba đứa con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Tân ít giao thiệp, lúc giải lao thường ngồi lặng lẽ. Trừ một lần chủ nhà hỏi chuyện gia đình, anh Tân mới giãi bày: “Mẹ em, vợ em đã chết vì Covid-19. Vợ em lúc đó sinh con mới hơn một tháng...”.
Cao điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra khốc liệt tại TP.HCM (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9.2021) khiến nhiều gia đình chịu cảnh đau thương. Từ trong mất mát, những người ở lại gượng dậy để sống, lo cơm áo gia đình và tương lai cho con trẻ.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, anh Nguyễn Tấn Tân (37 tuổi, làm nghề phụ hồ, ngụ 687/29/15 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) mất đi 2 người phụ nữ thân yêu của mình do Covid-19: Mẹ ruột và vợ.
Từ nhỏ anh Tân bị teo cơ chân, đi đứng khập khiễng. Đường đời của anh nay càng chênh vênh với gánh lo 3 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất lúc mất mẹ chỉ mới 35 ngày tuổi.
“Anh ơi ráng nuôi con, con còn nhỏ quá”
Tôi tình cờ biết anh Tân khi anh theo chủ thầu xây dựng đến xóm tôi làm phụ hồ. Anh Tân ít giao thiệp, lúc giải lao thường ngồi lặng lẽ. Trừ một lần chủ nhà hỏi chuyện gia đình, anh Tân mới giãi bày: “Mẹ em, vợ em đã chết vì Covid-19. Vợ em lúc đó sinh con mới hơn một tháng...”.

Cha con anh Tân. Ảnh: Như Lịch
Cha con anh Tân. Ảnh: Như Lịch
Một buổi tối, chúng tôi theo anh Tân đến thăm gia đình anh. Trên bàn thờ, hai di ảnh mẹ chồng - con dâu đặt cạnh nhau, nghi ngút khói nhang. 20 giờ, ông Nguyễn Văn Mỹ (62 tuổi), cha anh Tân, lủi thủi thu dọn cơm cúng rồi chế gói mì tôm làm canh ăn bữa tối.
“Bây giờ tui ở nhà, nấu ăn cho con cháu đi làm. Trong nhà này, có 2 người phụ nữ nhờ được lắm mà chết hết rồi, nay chỉ còn toàn đàn ông con trai. Nhiều khi nói ra là muốn khóc hà. Ban đêm, tui khóc hoài, khóc đến nỗi mắt mờ. Nghĩ mà tức, vợ tui đang khỏe lắm, tự dưng mất đi...”, ông Mỹ nghẹn lời. Hiện nay, ông Mỹ ở cùng cha con anh Tân và 2 người con trai chưa lập gia đình.
Anh Tân cho hay mẹ anh là người đầu tiên trong gia đình nhiễm Covid-19 và được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM). Sau đó, vợ anh Tân cũng nhiễm bệnh khi mới sinh con khoảng một tháng. Hôm người vợ có dấu hiệu trở bệnh nặng, anh Tân đưa chị đến nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào tiếp nhận, nên đành trở về nhà. Buổi tối cùng ngày, chị sốt lạnh hai lần, khó thở. Dường như biết mình sắp đi xa, chị dặn anh Tân: “Anh ơi ráng nuôi con, con còn nhỏ quá”.
Rạng sáng 19.8.2021, bệnh tình vợ anh nguy kịch nên gia đình đưa vào Bệnh viện Trưng Vương. Anh Tân kể rằng khi anh đẩy băng ca đưa vợ vào phòng cấp cứu, mẹ anh đang điều trị Covid-19 tại đó nhìn thấy, bà kêu: “Sao để nó bệnh nặng quá mới đưa vô đây?”. Lúc đó bà đòi tháo ống thở ô xy để nói chuyện với con trai. Nhưng anh Tân rầu rĩ báo tin: “Thôi, mẹ ráng khỏe rồi về, chứ bác sĩ bảo vợ con mất rồi!”. Nghe vậy, bà mẹ bị sốc và suy sụp, qua đời khoảng một tuần sau đó (ngày 25.8.2021).

Cuối mỗi ngày làm phụ hồ, anh Tân lượm ít ve chai ở công trình xây dựng (được chủ nhà hoặc chủ thầu cho)
Cuối mỗi ngày làm phụ hồ, anh Tân lượm ít ve chai ở công trình xây dựng (được chủ nhà hoặc chủ thầu cho)
Sau khi TP.HCM bước vào trạng thái “bình thường mới”, vào cùng ngày 13.11.2021, tro cốt của mẹ ruột và vợ anh Tân được gửi vào một ngôi chùa khá gần nhà. Anh Tân bộc bạch: “Gia đình em lo sợ dịch bệnh bùng phát lại, chùa tiếp tục đóng cửa thì không biết gửi tro cốt ở đâu. Cho nên mới gửi sớm tro cốt của mẹ và vợ em vào chùa, dù lúc đó chưa đến lễ cúng 100 ngày cho người mất”.
Chênh vênh đường đời
Bần thần bên chiếc xe mua ve chai được “độ” lại bằng những miếng inox lượm lặt chắp vá, giờ đây nằm im lìm trước nhà, anh Tân cho hay đó là xe bán hủ tiếu của vợ mình trong nhiều năm qua. Người phụ hồ ngậm ngùi: “Em không biết chữ, vừa dốt lại vừa tật nguyền, còn vợ em có ăn học, đẹp gái, siêng năng. Phước đức lắm, em mới lấy được cổ! Vậy mà...”.
Theo anh Tân, vì anh không biết chữ nên vợ anh luôn lo liệu các giấy tờ cho con cái như làm khai sinh, đăng ký nhập học. Chị còn đứng ra cúng đầy tháng và đặt tên cho đứa con trai bé bỏng, không ngờ chỉ năm ngày sau đó, mẹ - con đột ngột ly biệt vì dịch bệnh khốc liệt.

Anh phụ hồ Nguyễn Tấn Tân
Anh phụ hồ Nguyễn Tấn Tân
Vợ chồng anh Tân đã sống với nhau 18 năm, có được 3 mặt con (2 trai, 1 gái). Do không có tiền đóng học phí, con trai đầu của anh đã bỏ học lớp 10 trường nghề, theo người bà con phụ đi lấy rác. Đứa con trai út mới 35 ngày tuổi đã mồ côi mẹ, anh Tân gửi nhờ người chị dâu ở trọ gần nhà mình chăm sóc. Anh Tân nhớ lại: “Mẹ mất, thằng nhỏ thiếu hơi mẹ, khóc ngày khóc đêm! Xót ruột, em lấy áo mẹ nó đắp lên người, nó vẫn khóc. Em đốt nhang xin mẹ nó phù hộ, nó cũng cứ khóc... May có bác dâu nó vỗ về”.

Lúc biết thương thì xa nhau rồi...

Anh Tân cho biết trong thời gian vợ chồng chung sống trước đây, anh từng nhiều lần “gây lộn” với vợ, khiến không khí gia đình nặng nề. Anh bộc bạch: “Hồi đó em đi làm về mệt, vợ buôn bán từ sớm cũng mệt, nên cổ nhờ làm cái gì là em hay nổi quạu, vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Em thực sự biết thương vợ, vợ chồng em hạnh phúc chỉ mới được một năm mấy đây thôi”.

Ngoài giờ học, bé N.P.Q.N (con gái của anh Tân, học lớp 9) luôn bên cạnh đứa em sơ sinh. Chia sẻ về người mẹ quá cố, cô bé N.P.Q.N bày tỏ: “Theo suy nghĩ của con, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất con từng thấy. Con hay nhớ những lúc mẹ đứng bán đồ ăn cho khách và các món mẹ nấu rất ngon. Đôi khi làm sai, con cũng bị mẹ rầy, nhưng bây giờ dẫu muốn được mẹ la mắng lần nữa cũng không thể có”.
Cuối mỗi ngày đi làm, anh Tân tranh thủ lượm ve chai, gom góp kiếm thêm chút tiền nuôi con. Người phụ hồ khuyết tật này tâm sự từ ngày vợ mất, anh cảm thấy chới với vì không còn chỗ dựa lớn trong đời. Anh Tân thổ lộ: “Ban đêm nằm chèo queo một mình, tui hay giở hình vợ con ra coi, nước mắt chảy lúc nào không hay”. (còn tiếp)

Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 9 triệu ca nhiễm, hơn 5,3 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, tổng số ca tử vong do Covid-19 là hơn 42.000 ca, dẫn đến tình trạng rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi.

Giữa tháng 9.2021, trong giai đoạn khốc liệt của đợt dịch thứ 4 diễn ra tại TP.HCM, Báo Thanh Niên đã phát động chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm hỗ trợ khẩn cấp và bảo trợ dài hạn các em nhỏ mồ côi do đại dịch Covid-19.

Ngay từ khi được phát động, chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng bạn đọc trong và ngoài nước. Đến nay, chương trình đã huy động được hàng tỉ đồng và hỗ trợ khẩn cấp, nhận bảo trợ lâu dài cho hàng ngàn trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.

Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.