Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đắm chìm trong tiếng cồng chiêng cùng trang phục thổ cẩm, chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm và niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc của các em.

1nguyenhuong.jpg
Thầy Rah Lan Very (giáo viên Tổng phụ trách Đội) hướng dẫn học sinh cách đánh cồng chiêng. Ảnh: N.H

Trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ vừa qua, âm thanh cồng chiêng do học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã trình diễn vang vọng khắp Quảng trường 19-3, khiến người xem không nỡ rời mắt. Trong trang phục thổ cẩm truyền thống, các em tự tin thể hiện các bài nhạc chiêng một cách thuần thục bằng tất cả niềm đam mê và lòng tự hào về văn hóa dân tộc.

Đằng sau tiết mục ấy là nụ cười hạnh phúc của thầy Rah Lan Very-Giáo viên Tổng phụ trách Đội. Hướng dẫn học trò tập luyện, thầy Very không quên động viên các em phải học đánh chiêng bằng chính tình cảm từ trái tim mình, phải thả hồn theo từng nhịp chiêng chứ không chỉ gõ chiêng một cách đơn thuần, cơ học.

Hơn 2 năm qua, mỗi chiều thứ sáu, thầy Very lại miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Bắt đầu từ những nốt đơn giản nhất, thầy hướng các em dần làm quen với những bài chiêng khó và rèn phong thái trình diễn trước đám đông.

Theo thầy Very, lợi thế lớn nhất của các em là được học trong môi trường nội trú, có nhiều thời gian để tập luyện cùng nhau. Cùng với đó, vì sinh ra và lớn lên tại buôn làng nên thanh âm cồng chiêng dường như ngấm vào các em từ nhỏ, chỉ chờ cơ hội để tỏa sáng.

“Nhiều học sinh có khả năng thẩm âm tốt, yêu thích chiêng nên chỉ cần một thời gian ngắn đã có thể diễn tấu như một nghệ nhân thực thụ. Song cũng có trường hợp tôi phải kiên trì, bền bỉ chỉ dạy thêm với hy vọng tất cả các em khi ra trường đều tự tin trình diễn cùng di sản văn hóa của dân tộc”-thầy Very tâm sự.

Phong trào luyện tập cồng chiêng tại Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa bắt đầu từ cuối năm 2022. Với mong muốn khơi dậy niềm tự hào cũng như ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi học sinh, nhà trường đã trích kinh phí 50 triệu đồng mua 1 bộ chiêng cải tiến và phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở lớp dạy cồng chiêng cho học sinh.

Được giảng viên là các nghệ nhân truyền dạy trong vòng 3 tháng, đội cồng chiêng của trường gồm 42 thành viên (chủ yếu là học sinh lớp 8, lớp 9) đã nắm được kỹ thuật, vai trò của từng chiếc cồng, chiêng mà mình đảm nhận cũng như giai điệu, nhịp điệu bài chiêng một cách nhuần nhuyễn.

Sau khi lớp học kết thúc, nhà trường xây dựng kế hoạch để các em học sinh đã được đào tạo bài bản truyền dạy lại cho những học sinh các khối lớp còn lại, trong đó, giáo viên Tổng phụ trách Đội phụ trách hướng dẫn chung.

Cứ như vậy, tiếng cồng chiêng được truyền dạy qua các thế hệ học trò, không bị mai một. Hiện 150 học sinh trong trường đều biết trình diễn cồng chiêng. Các em có thể tự tin tham gia trình diễn cồng chiêng mỗi khi buôn làng có lễ hội hay tại các hội diễn do các cấp, ngành tổ chức.

Tại chương trình trình diễn cồng chiêng đường phố do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã tổ chức năm 2024, với bài chiêng “Mừng lúa mới”, đội cồng chiêng của trường đã thu hút sự theo dõi và đón nhận sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Những gương mặt non nớt ánh lên niềm tự hào, những bàn tay nhỏ nhắn cùng tấu lên nhịp chiêng ngân vang. Nhiều người dân và du khách đã không ngần ngại nắm tay các em học sinh, hòa mình vào điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng, tạo nên không khí vô cùng sôi động.

Trực tiếp tham gia chương trình, em Rcom Phú (lớp 8) bày tỏ: “Em rất vui vì được tham gia đội cồng chiêng của trường. Từ chỗ chưa biết đánh chiêng, nhờ thầy cô và các anh chị hướng dẫn, em đã có thể trình diễn nhiều bài chiêng như: Mừng lúa mới, Mừng chiến thắng, Đâm trâu... Mỗi khi có dịp trình diễn cồng chiêng tại các hội diễn, hội thi do các cấp tổ chức, em cảm thấy rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Còn em Ksor H’Rebeka (lớp 6) thì bộc bạch: “Ở trường, chúng em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, được biết thêm về văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán của dân tộc Jrai mình cũng như các dân tộc Bahnar, Tày, Nùng. Em rất tự hào mỗi khi được khoác lên mình bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Nó như nhắc nhở em phải có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp do cha ông để lại”.

2a-3901.jpg
Các em học sinh lớp 6 Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa mặc trang phục truyền thống khi lên lớp trong ngày thứ 2 đầu tuần. Ảnh: Vũ Chi

Cùng với luyện tập cồng chiêng, Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm về văn hóa truyền thống. Đơn cử là hội xuân trưng bày các sản phẩm thổ cẩm, đan lát. Tại ngày hội, thầy cô và học sinh cùng nhau chế biến các món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, lá mì, bánh tét, bánh chưng… Nhà trường cũng đầu tư mua trang phục thổ cẩm cho khối lớp 6 để chào đón các em trong ngày khai trường.

Với đặc thù là ngôi trường chuyên biệt nên việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã chú trọng. Cô Mai Thị Hồng Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ dạy-học, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi bổ ích để học sinh giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu thêm về văn hóa và trình diễn cồng chiêng.

Ban Giám hiệu nhà trường hy vọng giá trị văn hóa sẽ góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn học sinh; giúp các em không chỉ hiểu, yêu mến mà còn trân trọng bản sắc văn hóa, có ý thức tự tôn dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi lẽ, bảo tồn văn hóa truyền thống trong trường học là cách làm nhanh nhất và hiệu quả nhất để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng.

“Nhà trường cũng dự kiến may cho mỗi học sinh 1 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống để mặc đồng phục vào thứ hai đầu tuần cũng như các ngày lễ trong năm. Nhiều hội thi, hội diễn có yêu cầu về loại chiêng sử dụng. Vì vậy, nhà trường mong muốn được cấp thêm 1 bộ cồng chiêng cổ và được nghệ nhân truyền dạy cách đánh loại chiêng này”-cô Tâm nêu nguyện vọng.

Có thể bạn quan tâm

Bình Định trưng bày tài liệu lưu trữ 'Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc'

Bình Định trưng bày tài liệu lưu trữ 'Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc'

Hơn 1.500 tài liệu, tư liệu, hình ảnh tại cuộc trưng bày mang tên ‘‘Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc”, góp phần tái hiện một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi hàng vạn người con miền Nam rời quê hương, mang theo khát vọng thống nhất đất nước, lên đường ra Bắc.

Cứu lấy di sản nhà dài Ê Đê

Cứu lấy di sản nhà dài Ê Đê

Trong nhịp đô thị hóa, nhà dài dần vắng bóng tại các buôn làng Ê Đê. Có ngôi nhà dài gần như nguyên bản, nhưng ông Y Jui Êban ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang lo có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Việc Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng lớn của Phật giáo Việt Nam trong đời sống tôn giáo quốc tế.

Ksor Mang nặng lòng với văn hóa Jrai

Ksor Mang nặng lòng với văn hóa Jrai

(GLO)- Nhiều năm qua, anh Ksor Mang (SN 1986, buôn Phu Ma Nher, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai, nhất là việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Xác lập 5 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Xác lập 5 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2025 diễn ra ngày 8/5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận cùng lúc 5 kỷ lục về Phật giáo. Các kỷ lục được trao tặng cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Giữa cái nắng oi ả của tháng 4, chúng tôi từ TP. Pleiku vượt hơn 70 km về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), quê hương của Anh hùng Núp. Nơi đây có nhà lưu niệm mang dấu ấn lịch sử-văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.