Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.

Nhiều chiếc cầu bằng bê tông vững chắc được xây dựng ở vùng khó khăn nhất tỉnh từ Dự án LRAMP đã hiện thực hóa niềm mong mỏi từ bao đời nay của đồng bào Bahnar, Jrai nơi đây.

Bà con không còn thấp thỏm, bất an khi mỗi lần phải đi trên những cây cầu tạm bợ; các địa phương cũng xóa bỏ được thế cô lập về giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Đánh thức” vùng khó

Chiếc xe công nông chở những bao lúa no đầy chầm chậm vượt dốc lên cây cầu bê tông vững chắc bắc qua con suối lớn, bỏ lại phía sau là mênh mông ruộng lúa vàng ươm đang vào mùa gặt.

Vui mừng với điều kiện giao thông thuận lợi này, ông Siu Plô (làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tươi cười cho hay: Cánh đồng rộng lớn bên kia cầu có diện tích khoảng 100 ha lúa nước và gần 400 ha cà phê, bời lời, mì, cây ăn quả là nơi sản xuất của người dân các làng: Kép 1, Kép 2, A Mơng, Al, Phung, Ia Lôk (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố, Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh).

“Từ ngày có cầu mới, người dân đi lại thuận tiện, việc vận chuyển nông sản, phân bón đến khu sản xuất cũng đỡ vất vả. Đời sống bà con ngày càng được cải thiện”-ông Plô trò chuyện.

“Nhịp cầu nối những bờ vui” đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: M.P

“Nhịp cầu nối những bờ vui” đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: M.P

Nhớ lại cảm giác vừa đi vừa run những lúc qua cầu cũ trước đây, ông Plô kể: Cầu cũ như chiếc răng sắp rụng. Trước đây, mỗi lần đi trên cầu, ai cũng lo sợ. Đã có nhiều trường hợp người dân đi xe máy chở nông sản bị rơi xuống suối, suýt mất mạng. Chưa hết, cầu cũ nằm ở vị trí khá thấp nên mỗi lần mưa lớn là bị ngập sâu. Dòng nước chảy xiết, người dân đi làm về thường phải đứng chờ hàng tiếng đồng hồ.

Từ năm 2018, khi chiếc cầu làng A Mơng hoàn thành vững chãi bắc qua suối thay thế cây cầu cũ rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng, người dân ở đây mới thở phào nhẹ nhõm.

Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, sự hiện hữu của cây cầu dân sinh nối đôi bờ chính là nỗi mong chờ lớn nhất. Nhiều “cây cầu dành cho người nghèo” đã xóa đi bao khó khăn, trắc trở về giao thông, giúp đồng bào Jrai, Bahnar có thêm động lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Chính vì vậy, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba nối liền 4 xã đặc biệt khó khăn phía Đông của huyện Krông Pa gồm: Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Chư Drăng với thị trấn Phú Túc đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp đời sống của người dân được nâng lên, nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

Giống như nhiều hộ dân khác, cuộc sống gia đình ông Ksor Thuynh (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) trước đây vô cùng chật vật chỉ vì giao thương cách trở. Mặc dù gia đình có nhiều đất sản xuất nhưng đường sá đi lại khó khăn, nông sản làm ra nếu không bị thương lái ép giá thì chi phí vận chuyển cũng đội lên rất cao. Từ khi có cây cầu kết nối, mọi chuyện đã khác. Ông Thuynh nêu dẫn chứng thực tế: Vụ mùa mới đây, với 2 ha mì và 4 sào lúa vừa được mùa, được giá nên ông thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.

Cây cầu bê tông vững chãi thay thế cầu cũ tạm bợ, bà con xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) vui mừng, phấn khởi. Ảnh: M.P

Cây cầu bê tông vững chãi thay thế cầu cũ tạm bợ, bà con xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) vui mừng, phấn khởi. Ảnh: M.P

“Giao thông thuận lợi nên không còn tình trạng nông sản làm ra bị ép giá hoặc không bán được như trước nữa. Người dân trong buôn cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng cây-con giống có năng suất, chất lượng cao, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập tăng rõ rệt”-ông Thuynh vui mừng nói.

Theo bà Võ Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok: Cùng với hệ thống giao thông kết nối, cầu Ia Rmok đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của người dân ở khu vực này. Đây là cầu dân sinh quy mô nhất cả nước thuộc Dự án LRAMP được xây dựng tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong cả nước. Cầu có chiều dài hơn 330 m, rộng 3,5 m, với kinh phí đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Càng ý nghĩa hơn khi có khoảng 98,6% dân số tại các xã này là đồng bào Jrai. Từ khi cây cầu được đưa vào sử dụng, hàng ngày, bà con không còn phải đi trên cầu gỗ tạm bợ nguy hiểm, thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ.

“Giao thông kết nối đã hỗ trợ địa phương mở rộng giao thương, phát triển thương mại-dịch vụ. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân nên đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng một phần nhờ tác động của cây cầu LRAMP ở vùng khó này. Cụ thể, năm 2022, toàn xã có 333 hộ nghèo nhưng đến cuối năm 2023 giảm còn 233 hộ. Năm nay, qua kết quả rà soát sơ bộ thì hiện xã chỉ còn 142 hộ nghèo (chiếm hơn 10,5%). Dự kiến năm 2024, xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2028”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok thông tin.

Trong khi đó, nhấn mạnh về ý nghĩa của dự án hỗ trợ xây cầu tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho biết: “Cầu dân sinh làng Amơng có ý nghĩa thiết thực, kết nối giữa các khu vực dân cư với vùng sản xuất, nguyên liệu, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa.

Dự án cầu LRAMP đã hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, không những tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đảm bảo an toàn giao thông tại vùng khó trên địa bàn”.

Kết nối, tạo động lực phát triển

Hơn 4 năm qua, từ khi có cây cầu bắc qua suối Đak Pơ Pho, anh Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) cũng như 70 hộ có đất sản xuất ở bên kia suối không còn phải vất vả vượt dòng nước chảy xiết đến rẫy mỗi ngày.

Anh Song chia sẻ: “Giờ xe ô tô chở hàng hóa, nông sản có thể chạy bon bon trên cầu, dễ dàng kết nối khu dân cư với nơi sản xuất, đến tận nương rẫy. Việc trồng trọt thuận lợi hơn rất nhiều, thương lái không còn lý do để ép giá nông sản. Cây cầu tiếp thêm động lực để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cầu Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đã kết nối khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Ảnh: M.P

Cầu Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đã kết nối khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Ảnh: M.P

Cũng trong năm 2020, cầu dân sinh làng đồng bào dân tộc thiểu số Hrach Kôn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) thuộc Dự án LRAMP cũng được bàn giao, đưa vào sử dụng. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Làng Hrach Kôn có 45 hộ, phần đất sản xuất của người dân trên 153 ha ở phía bên kia cầu. Cứ vào mùa mưa, làng thường xuyên bị cô lập bởi dòng suối chia cắt. Nhiều lúc, các cháu học sinh không thể đến trường.

“Công trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn của địa phương, đồng thời tạo liên kết giữa các vùng, tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển”-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy phấn khởi nói.

Chia sẻ niềm vui này với người dân, ông Lý Duyên Lộc-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-khẳng định: Trong 2 năm (2019-2020), trên địa bàn huyện đã có 6 cây cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng.

“Các cây cầu này đã góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ, làm thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng đặc biệt khó khăn. Những nhịp cầu nối bờ vui giúp người dân vùng khó thuận tiện trong việc đi lại, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”-ông Lộc nhấn mạnh.

Còn tại huyện Chư Păh, Dự án LRAMP đã đầu tư xây dựng 5 cây cầu, 6 cống với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Theo ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện: “Các công trình thuộc Dự án LRAMP không những rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các thôn, làng vùng sâu, vùng xa với vùng kinh tế-xã hội phát triển mà còn giảm gánh nặng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng mới các cầu dân sinh vốn đã xuống cấp, hư hỏng nặng”.

Tại huyện Krông Pa, cầu Ia Rmok đã rút ngắn quãng đường từ hơn 10 km xuống còn gần 2 km, kết nối các xã phía Đông sông Ba như: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng với quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện phát triển giao thương, tiếp cận với các dịch vụ về y tế, giáo dục.

Cùng với cầu Ia Rmok, Dự án LRAMP còn đầu tư làm 4 cây cầu dân sinh khác như: cầu Blúk (xã Phú Cần); cầu Chư Tê, Ơi Kia 1, Ơi Kia 2 (xã Ia Rsai) và 1 cống hộp ở xã Ia Mlah với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đây đều là những công trình nằm trên tuyến giao thông quan trọng nối trung tâm các xã với các buôn làng vùng khó, qua đó giải quyết được nhu cầu cấp bách trong vấn đề đi lại, trao đổi hàng hóa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-nhấn mạnh: “Từ nhiều năm nay, việc lồng ghép các nguồn lực của trung ương, tỉnh, trong đó có nguồn Dự án LRAMP huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản, tạo động lực cho các thôn, làng vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế. Giao thông kết nối, giao thương phát triển giúp đời sống bà con từng bước cải thiện”.

Có thể bạn quan tâm

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

(GLO)- Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, lực lượng Công an 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt với mục tiêu cao nhất là giữ sạch "vùng xanh".
Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc.
Nguyễn Hữu Hiếu: Gương thanh niên Cảnh sát Giao thông tiêu biểu toàn quốc

E-magazineNguyễn Hữu Hiếu: Gương thanh niên Cảnh sát Giao thông tiêu biểu toàn quốc

(GLO)- Hơn 10 năm khoác trên mình sắc phục CSGT, Đại úy Nguyễn Hữu Hiếu-Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Bí thư Chi Đoàn Phòng CSGT không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng phục vụ người dân mà còn có tấm lòng nhân văn cao đẹp, trách nhiệm với cộng đồng.

Những viên ngọc quý của làng

Những viên ngọc quý của làng

(GLO)- Bằng uy tín và tài năng, đội ngũ già làng, trưởng thôn, nghệ nhân, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có công rất lớn trong việc bài trừ hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát huy các giá trị di sản. Họ thực sự là những viên ngọc quý và được dân làng tôn trọng.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

(GLO)- Vai trò, vị trí của cây cao su trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để cây cao su giữ vững sứ mệnh của mình trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn hiện nay thì cần có những giải pháp phù hợp.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Để có cuộc sống ấm no như hôm nay, những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang hóa thành những vườn cây cao su xanh tốt. Không những thế, họ quyết tâm vỡ đất, lập làng, đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
“Tỷ phú chân đất” thời 4.0

E-magazine“Tỷ phú chân đất” thời 4.0

(GLO)- Xuất phát điểm là nông dân nghèo khó nhưng với đức tính cần cù cùng với khát vọng làm giàu, vươn lên bằng chính nghị lực của mình, những “tỷ phú chân đất” thời 4.0 ở huyện Chư Păh đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp.