Cục Thuế tỉnh Gia Lai khai thác hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Năm 2024, Bộ Tài chính giao dự toán cho tỉnh Gia Lai thực hiện tổng thu nội địa 5.575 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 1.250 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh giao dự toán tổng thu nội địa 5.765 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất 1.372 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm, các khoản thu từ đất do cơ quan thuế thực hiện được 375,6 tỷ đồng, đạt 27,3% dự toán Bộ Tài chính giao và 25,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa hướng dẫn người dân kê khai nộp thuế đúng thời gian quy định. Ảnh: H.B

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa hướng dẫn người dân kê khai nộp thuế đúng thời gian quy định. Ảnh: H.B

Theo đánh giá của ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, các khoản thu từ đất tăng chủ yếu là hồ sơ lẻ trong dân và các dự án ngân sách huyện chuyển tiếp từ năm 2023 tại một số địa bàn như TP. Pleiku, huyện Chư Păh, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa.

Trong bối cảnh các dự án giao đất, đấu giá đất có thu tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh chưa triển khai thực hiện được, việc khai thác hiệu quả nguồn thu từ các hoạt động giao dịch, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi nợ liên quan đến đất đai đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tại TP. Pleiku, trong 4 tháng đầu năm, số thu tiền sử dụng đất đạt 142 tỷ đồng, dự kiến hết quý II-2024 đạt khoảng 210 tỷ đồng. Ông Trần Văn Thành-Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-cho biết: “Để khai thác hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất từ hồ sơ lẻ trong dân, Chi cục tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, phối hợp giải quyết kịp thời các hồ sơ liên quan đến tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo các đội thuế thông báo đến người nộp thuế thuộc trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất ghi trên bìa, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách đúng hạn để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ngoài ra, đối với các dự án của tỉnh và thành phố đã giao dự toán thu tiền sử dụng đất, Chi cục chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nắm bắt tình hình triển khai các dự án. Đồng thời, phối hợp đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh, các đơn vị chi cục thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan trong việc thu hồi nợ thuế, nhất là xử lý thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất đai, đôn đốc thu nợ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời hạn nộp, hết thời gian gia hạn theo các nghị định của Chính phủ. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện các khoản thu từ đất ở một số địa bàn có sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Tuấn Tú-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa-thông tin: “Liên quan đến các khoản thu tiền sử dụng đất, Chi cục bám sát tình hình tổ chức đấu giá đất tại thị xã Ayun Pa để ra thông báo cho người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách kịp thời. Đồng thời, rà soát các trường hợp người dân được ghi nợ tiền sử dụng đất trên bìa để gửi thư nhắc và hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ đúng hạn”.

Trong 4 tháng đầu năm số thu tiền sử dụng đất chủ yếu từ hồ sơ lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân và thu từ dự án cấp huyện năm 2023 chuyển tiếp. Ảnh: H.B

Trong 4 tháng đầu năm số thu tiền sử dụng đất chủ yếu từ hồ sơ lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân và thu từ dự án cấp huyện năm 2023 chuyển tiếp. Ảnh: H.B

Tương tự, ông Hoàng Phi Dũng-Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro-cho biết: “Tại địa bàn Đak Pơ, Kông Chro dự toán thu tiền sử dụng đất giao thấp nên tỷ lệ thực hiện đảm bảo tiến độ dự toán giao. Riêng địa bàn thị xã An Khê thực hiện chậm hơn do dự toán tiền đất lớn, phụ thuộc vào tình hình tổ chức đấu giá đất. Tuy nhiên, Chi cục Thuế tập trung chỉ đạo các đội thuế, cán bộ thuế bám sát địa bàn, đôn đốc thu nợ liên quan đến đất đai, góp phần đưa tổng thu toàn khu vực đảm bảo tiến độ dự toán giao”.

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, thông qua kết quả thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy có nhiều điểm sáng tích cực. Về tổng thu cơ quan thuế quản lý trên địa bàn, có 12/18 địa bàn đạt, vượt trên 33,3% so tiến độ dự toán HĐND tỉnh.

Về tổng thu cơ quan thuế quản lý trừ tiền sử dụng đất dự án tỉnh, có 18/18 địa bàn đạt, vượt trên 33,3% so với tiến độ dự toán HĐND tỉnh. Về tổng thu cơ quan thuế quản lý trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, có 18/18 địa bàn đạt, vượt trên 33,3% dự toán HĐND tỉnh.

Với tiền đề này, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu trong tháng 5 thu ngân sách tối thiểu 450 tỷ đồng (trong đó trừ tiền sử dụng đất 380 tỷ đồng); chủ động rà soát nguồn thu, đánh giá giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế để tổ chức thực hiện kịp thời các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu, trong đó có các nguồn thu liên quan đến đất.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 95/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.