Góp những “lộc xuân”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như một nghề thời vụ, ngày áp Tết, nhiều người ở các làng dân tộc thiểu số của Gia Lai lại vào rừng tìm hái quả sung, dứa phụng đem ra chợ bán. Giữa trăm ngàn vật phẩm, sắc xanh đỏ tươi tắn của mặt hàng này cũng góp những “lộc xuân” cho ngày Tết cổ truyền thêm may mắn, đủ đầy.

Trung tâm Thương mại Pleiku vẫn là nơi nhộn nhịp nhất vào những ngày giáp Tết. Trên khắp các ngã đường bao quanh hoặc dẫn vào chợ, hàng hóa được bày bán chật kín. Trong số đó, hoa quả là mặt hàng không thể thiếu.

Sung, mãng cầu xiêm, đu đủ, lá dong... là những món hàng được bày bán khá nhiều trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Mộc Trà
Sung, mãng cầu xiêm, đu đủ, lá dong... là những món hàng được bày bán khá nhiều trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Mộc Trà

Bên cạnh dưa hấu, thanh long, đu đủ, xoài, dừa, mãng cầu…, sung và dứa phụng cũng là những loại quả được nhiều người chọn mua để bày biện mâm trái cây trên bàn thờ gia tiên, thần tài vào dịp Tết với mong cầu nhiều phúc lộc, sung túc trong năm mới.

Nhu cầu đó đã tạo điều kiện cho nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm công việc thời vụ, tạo thu nhập dịp cuối năm.

Những quả dứa phụng xanh, đỏ với nhiều nhánh lộc bao quanh đẹp mắt. Ảnh: Mộc Trà
Những quả dứa phụng xanh, đỏ với nhiều nhánh lộc bao quanh đẹp mắt. Ảnh: Mộc Trà

Như một thói quen, cứ đến gần Tết Nguyên đán, vợ chồng anh Puih Uir (làng Blang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại chở nhau đến vùng núi thuộc địa phận xã Ia Bă rồi lặn lội vào rừng tìm trái sung.

Sau 1 buổi men theo sườn dốc cheo leo rồi băng qua những tán cây um tùm, xanh mát, cuối cùng, vợ chồng anh cũng tìm được một cây sung sum suê quả. Cả hai vui mừng trở về nhà, không quên đánh dấu đường đi để giáp Tết vào thu hái đưa ra chợ bán.

Anh Puih Uir (làng Blang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) buộc quả sung thành chùm để bán. Ảnh: Mộc Trà
Anh Puih Uir (làng Blang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) buộc quả sung thành chùm để bán. Ảnh: Mộc Trà

Gia đình anh Uir đã duy trì công việc này gần 10 năm qua. Tuy số tiền thu được từ bán sung không nhiều lắm, song hễ năm nào bận bịu không vào rừng hái sung được là anh lại cảm thấy thiếu vắng.

“Chiều hôm qua, cả nhà tôi cùng nhau đi hái sung, được hơn 2 giỏ cần xế. Sáng nay, tôi chở ra Pleiku cho vợ ngồi bán với giá từ 10-50 ngàn đồng tùy chùm hay cành lớn, nhỏ. Các con của tôi vẫn đang lên rừng hái tiếp để kịp có bán cho những ngày sau. Năm nay, sung quả nào cũng to đều, tươi xanh nên được nhiều người ủng hộ. Chúng tôi vui lắm!”-anh Uir phấn khởi nói.

Chị Nay Loan (bìa trái; làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) đã có mặt tại khu vực ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) từ sáng 27 tháng Chạp để bày bán “lộc xuân”. Ảnh: Mộc Trà
Chị Nay Loan (bìa trái; làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) đã có mặt tại khu vực ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) từ sáng 27 tháng Chạp để bày bán “lộc xuân”. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, chị Nay Loan (làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) cũng có mặt tại ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) từ sáng 27 tháng Chạp để bày bán “lộc xuân”. Mặt hàng quen thuộc được chị duy trì bán suốt 4 mùa Tết qua vẫn là chuối xanh, đu đủ, mãng cầu xiêm, lê ki ma và dĩ nhiên không thể thiếu quả sung và dứa phụng.

Chị Loan chia sẻ: Từ lúc còn ở tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh), tôi đã theo ba mẹ lên rừng hái sung về bán để có thêm thu nhập trong những ngày giáp Tết. Đến lúc lập gia đình, theo chồng về làng Ô Rê 1, tôi vẫn tiếp tục làm công việc này.

Cận Tết, cứ tầm 4 giờ chiều, 2 vợ chồng lại lên rừng hái để giữ được độ tươi ngon của quả sung cho buổi chợ sáng hôm sau. Ngoài quả sung, tôi còn trồng xen dứa phụng xanh và đỏ trong vườn cà phê để bán. Năm nay, dứa đậu quả đều, có nhiều nhánh lộc bao quanh rất đẹp mắt; nhờ đó, tiêu thụ cũng khá nhanh.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku) phấn khởi khi lựa chọn được những quả sung ưng ý để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết với mong cầu sung túc, đủ đầy. Ảnh: Mộc Trà
Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku) phấn khởi khi lựa chọn được những quả sung ưng ý để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết với mong cầu sung túc, đủ đầy. Ảnh: Mộc Trà

Tranh thủ tan làm, chị Nguyễn Thị Thanh Trang (tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku) ra chợ chọn trái cây để trưng ban thờ ngày Tết.

“Theo quan niệm của ông bà, năm nào tôi cũng chọn mua ngũ quả gồm: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài là biểu trưng của tâm nguyện “cầu-sung-vừa-đủ-xài”. Hy vọng, bản thân và gia đình bước sang năm mới sung túc, sum vầy, dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn và tài lộc trong công việc lẫn cuộc sống. Năm nay, tôi thấy trái cây dễ chọn vì khá đẹp mắt, giá cả cũng phải chăng”-chị Trang cho hay.

Với những người góp “lộc xuân” trên phố, đây vừa là niềm vui cũng vừa là động lực hướng đến một mùa xuân mới ấm cúng, đủ đầy. Ảnh: Mộc Trà

Với những người góp “lộc xuân” trên phố, đây vừa là niềm vui cũng vừa là động lực hướng đến một mùa xuân mới ấm cúng, đủ đầy. Ảnh: Mộc Trà

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề. Những người góp “lộc xuân” trên phố vẫn đang miệt mài bên những chùm quả xanh, trái mọng. Với họ, đây vừa là niềm vui cũng vừa là động lực hướng đến một mùa xuân mới ấm cúng, đủ đầy.

Có thể bạn quan tâm

Kbang quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Kbang quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, huyện Kbang  (tỉnh Gia Lai) tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.