Lần đầu tiên tướng Nguyễn Chí Vịnh công bố những bí ẩn về người thầy kiệt xuất

'Gáo nước lạnh' của ông Ba Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cuốn sách Người Thầy viết về tướng tình báo anh hùng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) vừa được NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Thanh Niên xin giới thiệu một số nội dung mà công chúng chưa từng biết về người thầy tình báo.

Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan, Nguyễn Chí Vịnh phải "chạy" chỗ này chỗ khác để được ra chiến trường, nhưng không ăn thua.

Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước không muốn anh đến chỗ nguy hiểm, họ phải bảo toàn tính mạng của người con trai duy nhất của cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cuối cùng, anh phải gặp tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam), lúc đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Mặt trận Tây Nam 719, để "nhờ vả".

Ông Vịnh kể: "Tôi đến gặp ông Sáu Nam với một lý do rất riêng và chưa có tiền lệ đối với những sĩ quan trẻ như tôi. Đó là xin đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia". Ông Sáu Nam hỏi: "Trung úy à? Theo bộ đội vậy là tốt đấy". Sau khi hỏi thăm chuyện gia đình, tướng Lê Đức Anh nói ông đồng ý cho Nguyễn Chí Vịnh thực hiện nguyện vọng đi chiến trường, nhưng "chưa tiến bộ thì chưa về đâu đấy". Anh hứa với ông rằng "chưa nên người nhất định chưa về". Như có ngọn lửa thôi thúc trong lòng, anh háo hức đón nhận cuộc đời sang trang mới.

Ông Ba Quốc (phải) và tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: T.L

Ông Ba Quốc (phải) và tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: T.L

Nguyễn Chí Vịnh được đưa đến một đơn vị tình báo, người chỉ huy ở đó là ông Ba Quốc. Lúc đó anh chỉ biết ông Ba Quốc từng là một điệp viên vào Sài Gòn đi sâu vào lòng địch và lập nhiều chiến công, sau giải phóng được phong anh hùng, chứ chưa biết gì hơn.

Ông Ba Quốc nói với anh: "Tôi biết truyền thống gia đình cậu rất vẻ vang. Cậu ở miền Bắc được ăn học, cũng qua một số đơn vị và đã tốt nghiệp trường sĩ quan. Sang đây chỉ có mỗi một việc thôi, đấy là toàn tâm toàn ý vào nhiệm vụ, không có gì khác, và phải rất kiên trì. Nếu làm được thì làm, nếu không làm được cũng nói để tôi báo cáo với anh Sáu Nam cho cậu về hoặc chuyển công việc khác phù hợp".

Ông Vịnh kể: "Nghe những lời đó, tôi như bị dội một gáo nước lạnh. Tôi đoán ông nghĩ tôi bị đưa sang Campuchia để "rèn luyện", để "tráng men" chứ không phải là mong muốn của tôi". Vịnh trả lời: "Cháu sang đây do sự điều động nhưng cũng là nguyện vọng của cháu. Cháu sẽ cố gắng làm hết sức mình. Nếu cháu làm được việc thì cháu sẽ ở lại lâu dài, nếu các chú không dùng được thì các chú có thể điều động cháu đi chỗ khác theo quy định của tổ chức". Ông nhìn tôi, im lặng, có vẻ sửng sốt. Sau này tôi mới biết chưa có ai dám nói với ông Ba giọng như thế cả".

Nguyễn Chí Vịnh đã mất ngủ mấy tuần liền vì "gáo nước lạnh" của ông Ba Quốc. Đó là ấn tượng ông để lại cho anh trong buổi gặp đầu tiên. Mãi sau này, khi đã làm việc nhiều năm với ông, ông mới cho anh biết rằng ông nghĩ một số con em cán bộ ở miền Bắc quen được nuông chiều, nên mới nói những lời như thế. Ông Ba Quốc là người sống rất có tình nghĩa, chu đáo với cấp dưới, nhưng trong công việc ông nghiêm khắc đến nghiệt ngã.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, Nguyễn Chí Vịnh lấy làm lạ khi được ăn cơm trắng, vì đã quen với những bữa cơm độn mì hạt khi còn là học viên sĩ quan. Hỏi người bên cạnh hôm nay là ngày lễ hay sao mà được ăn cơm trắng. Câu trả lời là: Ở Campuchia, bộ đội được ăn cơm trắng. Một chút ưu đãi cho quân tình nguyện giữa chiến trường đầy những cạm bẫy hiểm ác.

Chiều hôm đó, anh mặc quân phục chỉnh tề đến gặp ông Ba. Ông bật cười, nói: "Ở đây, việc đầu tiên là cất hết quân phục. Từ quần áo, giày, mũ, đến đôi tất, hễ liên quan đến quân đội là cất hết, trừ lúc đi họp ở Sở chỉ huy". Rồi ông giới thiệu với anh nhiệm vụ của đơn vị tình báo chiến lược đứng chân tại Campuchia và những nguyên tắc của hoạt động tình báo.

Sau đó, việc của anh là… không được giao việc gì cả, suốt mấy tháng trời. Sốt ruột quá, anh hỏi thì được trả lời: "Cứ ngồi nghiên cứu đi".

Đại tướng Lê Đức Anh gặp gỡ các nhà chỉ huy tình báo (ông Ba Quốc thứ 3 từ phải qua)

Đại tướng Lê Đức Anh gặp gỡ các nhà chỉ huy tình báo (ông Ba Quốc thứ 3 từ phải qua)

Công việc đầu tiên ở Campuchia

Nguyễn Chí Vịnh là chàng trai ham học và cũng ham chơi nữa, nói đúng ra là ham khám phá. Anh đã đọc tất cả sách báo và tài liệu viết về Campuchia, học tiếng Campuchia, rồi lang thang đến mọi ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm. Đó là năm 1984, Campuchia tuy được giải phóng 5 năm nhưng ở thành phố dân về rất ít, chỉ có bộ đội ta và bộ đội bạn. Anh đi đến mọi nơi mọi chỗ, "ăn chơi" tại những chỗ có thể. Câu chuyện của Nguyễn Chí Vịnh đến tai ông Ba Quốc như sau: "Nó đi xe xích lô ông ạ, còn ăn cơm tấm sườn, rồi uống cà phê một mình nữa". Anh kể, hồi đó ai cũng khó khăn, đồng đội thường tránh vay tiền của nhau, ai có tiền thì đãi người khác, không có thì thôi. Mỗi dịp lãnh lương, anh thường cho mình được hưởng niềm vui "xa xỉ" như thế. Vẫn không hết quỹ thời gian, anh tập thêm "nghề" đánh máy chữ và tiếp tục học tiếng Campuchia.

Đó là thời gian ông Ba Quốc dạy anh sự nhẫn nại. Sau này ông nói với anh: "Đây không phải là trường học, đây là chiến trường. Trường học làm sai có thể làm lại, nhưng chiến trường thì không được phép sai".

Một hôm, ông Ba Quốc gặp anh. Ông hỏi thời gian qua anh đã làm gì, đi những đâu. Anh trả lời là anh đã đọc hết sách vở tài liệu về Campuchia, đi khắp các đường phố, chùa chiền, bảo tàng, chợ búa, tự học tiếng Campuchia và giao tiếp được với người dân.

Bất ngờ ông bảo: "Cậu về viết báo cáo đi". Anh không hiểu: "Thưa chú, viết báo cáo gì ạ?". "Cậu cứ viết về đường sá ở Phnom Penh đi". Anh vẫn không hiểu. Ông nói: "Thì như cậu vừa nói đấy, đường sá Phnom Penh nó cấu tạo như thế nào, chợ thường ở đâu, có điểm gì đặc biệt, chùa Campuchia như thế nào... Viết đúng những gì cậu quan sát". "Nếu vậy thì cháu viết được, cháu sẽ tự đánh máy luôn".

Đó là công việc đầu tiên anh được giao, dù anh không biết đó là nhiệm vụ gì. Thậm chí lúc đó anh không biết một bản báo cáo phải mở đầu và kết thúc như thế nào, cả đến chữ "địa bàn" anh cũng không hiểu vì anh chưa hề được đào tạo làm công tác tình báo.

Cho đến một hôm, một đội trưởng đặc nhiệm nói với anh: "Thằng cha nào viết về đường phố Phnom Penh mà nó thuộc dữ, biết cả về thầy chùa, về Acha (người hướng dẫn hành lễ trong văn hóa Phật giáo Khmer - TN), biết cả cách ăn mặc, cách sinh hoạt của người Campuchia. Mấy ông Bắc kỳ vô đâu có biết được mấy thứ đó". Anh nói: "Thằng cha Bắc kỳ đó là tôi đấy". Thì ra ông Ba Quốc đã cử đội đặc nhiệm đi kiểm tra và xác minh những gì anh viết. Anh chỉ nghĩ ông "bày việc" để anh làm cho có. Anh nghĩ đó là bản báo cáo "vớ vẩn" không dám đưa ai xem. Viết xong giao cho ông Ba, ông cũng không nói gì.

Sau này anh mới hiểu, nắm bắt địa bàn và thực tế xã hội là vô cùng quan trọng đối với một cán bộ tình báo. Đó chính là "cẩm nang" của tất cả các kế hoạch trong tương lai. Nhưng lúc đó anh vẫn còn nhiều tâm tư, nghĩ mình chưa được giao việc nên cảm thấy xấu hổ. Anh vẫn chưa biết trong thời gian ấy, quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam sang giúp Campuchia nhiều người không hiểu về đất nước và con người, phong tục tập quán và thực tế xã hội của bạn, nên giúp bạn mà nhiều khi tréo ngoe, bạn cần cái này lại nghĩ bạn cần cái khác. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời.