Lan tỏa nét đẹp vòng xoang trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Với mong muốn khơi gợi niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc trong các thế hệ học trò, nhiều thầy-cô giáo ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã dành tâm huyết gầy dựng phong trào múa xoang trong trường học. Sau 13 năm triển khai, phong trào đã nhận được sự đón nhận hào hứng của các em học sinh.

Gầy dựng phong trào

Là người gắn bó nhiều năm với công tác dạy học tại huyện vùng khó Ia Pa, thầy Võ Trí Hoàn được coi là người đầu tiên khởi xướng hội thi “Nét đẹp vòng xoang” trong trường học. Thầy Hoàn chia sẻ: Trước đây, trong lễ bỏ mả bao giờ cũng có những điệu xoang. Được mời tham gia các nghi lễ này, thầy rất ấn tượng với những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Jrai. Năm 2011, với vai trò Hiệu trưởng Trường THCS Nay Der (xã Chư Mố), thầy lên kế hoạch tổ chức hội trại cho học sinh. Tuy nhiên, thầy vô cùng bất ngờ vì mặc dù 100% học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng rất ít em biết xoang. Vì vậy, thầy khởi xướng tổ chức hội thi “Nét đẹp vòng xoang”. Đây là hội thi xoang đầu tiên được tổ chức tại một đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

Thời gian đầu, thầy Hoàn phải tìm thuê bộ chiêng trong làng để giúp các em tập luyện. Những giáo viên lớn tuổi người Jrai trong trường được huy động truyền dạy cho học sinh trong 15 phút đầu giờ, tiết sinh hoạt lớp hay cuối mỗi buổi chiều hàng ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, các em học sinh đã tiến bộ rõ rệt. Trường thành lập được đội cồng chiêng và mỗi lớp thành lập 1 đội xoang tham gia hội thi. Lần đầu tổ chức, tuy còn nhiều bỡ ngỡ song hội thi đã rất thành công. Nhờ có phong trào này, nhiều em học sinh vắng học lâu đã bị cuốn hút quay trở lại trường lớp.

Giáo viên và học sinh cùng hòa mình trong điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển. Ảnh: Vũ Chi

Giáo viên và học sinh cùng hòa mình trong điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển. Ảnh: Vũ Chi

Từ thành công ban đầu, nhà trường tiếp tục duy trì hội thi trong các năm học tiếp theo. Thầy Hoàn nhớ lại: “Từ chỗ tổ chức nội bộ, năm 2015, hội thi được triển khai trên quy mô lớn khi có sự góp mặt giao lưu của nhiều đơn vị trường học trong huyện như: Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, THCS Lê Lợi (xã Ia Broăi), THCS Cù Chính Lan (xã Ia Kdăm), các trường mẫu giáo, tiểu học và Đoàn xã Chư Mố”. Cũng theo thầy Hoàn, thông qua Đề án 02 của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhà trường được cấp 1 bộ cồng chiêng và được nghệ nhân trong tỉnh về truyền dạy. Đội cồng chiêng của trường thường xuyên biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của huyện, tham gia liên hoan cồng chiêng do tỉnh tổ chức và đạt giải cao.

Lan tỏa rộng rãi

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịp Xuân Quý Mão 2023, hội thi “Nét đẹp vòng xoang” được tổ chức trở lại trong sự hào hứng của giáo viên và học sinh. Trên cương vị mới là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Ia Broăi), thầy Hoàn tiếp tục khởi xướng phong trào này. Vẫn bằng phương pháp truyền thống, nhờ nghệ nhân của xã truyền dạy, được các thầy-cô giáo chủ nhiệm tập luyện cùng, các em học sinh tiếp thu và tiến bộ rất nhanh.

Hội thi “Nét đẹp vòng xoang” tại Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa). Ảnh: Nguyên Hương

Hội thi “Nét đẹp vòng xoang” tại Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa). Ảnh: Nguyên Hương

Ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa: Hội thi “Nét đẹp vòng xoang” là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực trong trường học. Hoạt động này không chỉ khơi gợi tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc trong thế hệ trẻ mà còn tạo sân chơi bổ ích giúp học sinh thêm yêu trường, mến lớp. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong Đề án bảo tồn văn hóa bản địa của huyện. Phòng khuyến khích các trường học trên địa bàn tùy theo điều kiện có thể tổ chức các hoạt động tương tự để khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào tại chỗ.

“Năm đầu tiên, nhà trường chỉ tổ chức cho 6 lớp bậc THCS với 173 học sinh tham gia. Đáng mừng là các em có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là trang phục với 95% các em mặc trang phục thổ cẩm truyền thống. Dự kiến năm học tới, nhà trường sẽ tổ chức hội thi quy mô lớn hơn, có thêm sự tham gia của học sinh khối 4, 5 cũng như mời một số trường lân cận”-thầy Hoàn cho hay.

Trong khi đó, đây là năm thứ 11 Trường Tiểu học và THCS Nay Der tổ chức hội thi “Nét đẹp vòng xoang”. Cô Nguyễn Thị Thanh Vui-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Tuy đã được xây dựng từ trước song khi triển khai lại, nhà trường phát hiện một số bất cập. Bộ chiêng được cấp về trường trước đây là chiêng cổ, hiện rất ít người biết đánh, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng từ địa phương khác trong tỉnh về nên cách đánh chiêng, điệu chiêng không phù hợp với địa phương. Vì vậy, nhà trường phải thuê 1 bộ chiêng cải tiến và mời nghệ nhân tại xã trực tiếp truyền dạy cho học sinh. Các em đã bắt nhịp rất nhanh, hào hứng tập luyện. Với 470 học sinh từ khối lớp 5 đến khối lớp 9 tham gia, hội thi được lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Đây là tiền đề để nhà trường tiếp tục duy trì phong trào trong những năm học tiếp theo.

Em Ksor H’Run (lớp 8B) bộc bạch: “Nhìn các bà, các mẹ trong những điệu xoang tại lễ hội em rất thích nhưng ít có cơ hội thể hiện. Khi nhà trường tổ chức hội thi, chúng em đã tích cực tập luyện. Chúng em được dạy cách nắm và đánh tay, chân bước sao cho đúng nhịp, uyển chuyển, nhịp nhàng. Trong hội thi vừa qua, lớp em đạt giải ba. Hy vọng hội thi được tổ chức thường xuyên hơn để chúng em có cơ hội biết những điệu xoang của dân tộc mình”.

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.